Trở lại bài báo “Lấy quyền gì để mắng luật sư?"

Trở lại bài báo “Lấy quyền gì để mắng luật sư?"
TP - Số báo ra ngày 2-4, Tiền Phong có bài “Lấy quyền gì để mắng luật sư?”, phản ánh phiên tòa xét xử bị cáo Trần Quang Hùng do Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (gọi tắt Tòa phúc thẩm) mở tại Quảng Ninh ngày 29-3.

> Lấy quyền gì để 'mắng' luật sư?

Phiên tòa hôm đó phải hoãn do một luật sư bào chữa cho bị cáo bị ốm, luật sư thứ hai cũng vắng mặt do “chưa được gặp bị cáo”. Tại tòa, thẩm phán chủ tọa Vũ Thế Đoàn đã dùng nhiều ngôn từ nặng nề “mắng” vị luật sư chưa được gặp thân chủ nên không đến tòa, song theo xác minh của PV thì luật sư này hoàn toàn không có lỗi.

Mới đây, Tiền Phong nhận được Công văn số 757/2012/CV-PT của Tòa phúc thẩm, cho biết: Trước khi mở phiên tòa ngày 29-3, Toà phúc thẩm đã cử đoàn công tác làm việc với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Quảng Ninh, do trước đó phiên tòa đã phải hoãn.

Tuy nhiên, khi toà mở lại, “vẫn có các luật sư vắng mặt không lý do, hoặc lý do không chính đáng”; “chỉ khi thư ký phiên toà gọi điện thoại thì các luật sư mới nêu các lý do vắng mặt là bận đột xuất hoặc chưa gặp được bị cáo”; “HĐXX đã nhắc nhở, phê phán các luật sư, đồng thời thông báo sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý”.

Công văn của Tòa phúc thẩm nhận định “Tác giả bài viết không biết rõ tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, không nắm được các quy định pháp luật chuyên ngành cũng như vụ án đã phải hoãn nhiều lần, nên đã sử dụng một số từ ngữ không chính xác”, đề nghị báo “cải chính một cách phù hợp và có hình thức nhắc nhở cần thiết đối với PV”.

Sau khi kiểm tra thông tin, tài liệu do các PV thu thập, theo quy định của Luật Báo chí, Tiền Phong xin trả lời công văn của Toà phúc thẩm như sau:

* PV Tiền Phong có mặt tại phiên tòa Trần Quang Hùng là do bị cáo này liên quan chặt chẽ với vụ án “Từ Đức Cường và đồng bọn phạm tội giết người”, đã được xét xử qua nhiều cấp. Đây là vụ án có bị cáo Ngô Tiến Long kêu oan.

Các PV Tiền Phong đã nghiên cứu hồ sơ vụ án kỹ lưỡng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các phiên tòa, qua đó viết loạt bài “Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng?” và nhiều bài tiếp theo, phản ánh hàng loạt sai phạm trong hoạt động tố tụng, đồng thời nêu ra nhiều chứng cứ có lợi cho lời kêu oan của bị cáo Long.

Báo Tiền Phong cũng đã gửi công văn đến đ/c Chánh án TAND Tối cao và đ/c Viện trưởng Viện KSND Tối cao, phản ánh những dấu hiệu oan sai đối với bị cáo Long. Công văn của Tòa phúc thẩm nhận định các PV Tiền Phong “không nắm rõ tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án” là chưa chính xác.

* Phiên toà xử bị cáo Trần Quang Hùng hôm 29-3 bị hoãn, là lần hoãn đầu tiên, không phải “trước đó đã bị hoãn” như công văn Tòa phúc thẩm nêu.

* Phiên toà này, luật sư Dương Xuân Tích vắng mặt do bị ốm, là hoàn cảnh bất khả kháng, không phải “lý do không chính đáng” như công văn Tòa phúc thẩm nêu.

* Riêng việc luật sư Hà Mạnh Hùng vắng mặt, bài viết của Tiền Phong nêu rõ: Luật sư này cho biết đến sát ngày mở toà, ông chưa được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (CNNBC) nên không thể gặp bị cáo; ông không đến tòa, bởi nếu vẫn ra tòa bào chữa sẽ không đảm bảo quyền lợi cho bị cáo…

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Luật sư, để ra tòa bào chữa cho bị cáo, luật sư phải được cấp Giấy CNNBC, và phải có giấy triệu tập tham gia phiên tòa.

Tại phiên tòa ngày 29-3, chỉ đến trước giờ mở tòa, thư ký phiên tòa mới gọi điện mời luật sư đến tòa nhận các giấy này. Việc chậm cấp Giấy CNNBC cho luật sư Hùng, lỗi thuộc về HĐXX, song ông chủ tọa lại mắng luật sư “xơi xơi” là vô lý!

Với các căn cứ nêu trên, bài báo “Lấy quyền gì để mắng luật sư?” đã phản ánh sự việc chính xác, vì thế Tiền Phong không phải cải chính bài báo này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG