Biệt danh Trịnh "đại ca"
Sinh thời, trong nhiều cuộc trà dư tửu hậu, chúng tôi đã được nghe nhà thơ Lê Văn Ngăn kể nhiều mẩu chuyện về Trịnh Công Sơn. Anh chỉ kể những chuyện mình trực tiếp tham dự hoặc thẩm định về người nhạc sĩ đồng hương xứ Huế. Lê Văn Ngăn nói: "Anh Sơn sinh năm 1939, mình năm 1943 (nhưng bố mẹ khai sinh là 1944). Mình và anh Sơn thường gặp và quý nhau nhưng không thân. Mình coi Trịnh Công Sơn là một người anh". Trịnh ra đi đã lâu nhưng qua lời kể của Lê Văn Ngăn, người nhạc sĩ của bao giai thoại như vẫn còn ngồi cà phê đâu đây ở phố biển…
Một trong những giai thoại anh Ngăn hay nhắc là chuyện Trịnh bị một "đại ca Quy Nhơn" lột kính "cảnh cáo" rồi sau đó xin lỗi và tôn là Sơn đại ca. Ấy là khoảng những năm 1962 - 1963, khi Trịnh Công Sơn đang học Sư phạm Quy Nhơn khóa 1. Khi đó, Trịnh thường ngồi nhâm nhi suy tưởng bên cốc cà phê ở quán Tuyết Trắng (cạnh Hội trường Quy Nhơn bây giờ). Một đại ca của Quy Nhơn khi ấy là Thành "đầu bò" thấy ngứa con mắt, nên sai đàn em tới lột kính "trấn áp" Trịnh.
Thế nhưng hôm sau, khi biết đó là tác giả ca khúc "Diễm xưa" mà mình vẫn ái mộ, Thành "đầu bò" tìm mời Trịnh ra quán kêu một ly đen, một gói Bastos xanh để ngỏ lời xin lỗi. Trước sự chứng kiến của đám đàn em, Thành "đầu bò" tuyên bố rất nể phục người viết "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…" và thấy hổ thẹn vì cử chỉ vô lễ hôm qua. Thành "đầu bò" trịnh trọng tuyên bố: Từ nay, Trịnh Công Sơn là đại ca Sơn của Thành "đầu bò". Từ đó, Trịnh có thêm biệt danh Trịnh "đại ca".
Theo Lê Văn Ngăn, giai thoại trên cơ bản là có thật nhưng việc truyền miệng thì dễ "tam sao thất bổn" và qua mỗi người còn tự thêm thắt để nói cho "đã miệng, thêm phần gay cấn". Sau này, anh Ngăn vẫn thường hay gặp lại Thành "đầu bò" và nhắc nhớ vui buồn với giai thoại một thời của Trịnh ở Phố Biển.
Sự thực, nguồn gốc của câu chuyện trên là do sự "ít ưa" của một bộ phận con trai Bình Định khi đó đối với một số giáo sinh người Huế "chải chuốt, tự đắc là đem văn minh đến cho Quy Nhơn", tuy nhiên, tài năng và ảnh hưởng của Trịnh đối với đất Quy Nhơn là điều khó phủ nhận. Còn biệt danh Thành "đầu bò" (tên thật của ông Lê Văn Thành) xuất phát từ thời ông từng chơi bóng bằng đầu khá điệu nghệ trong phong trào đá banh ở Bình Định trước năm 1975. Ông Thành khi đó là một "đại ca giang hồ" có học và nghĩa khí, trọng người tài hoa.
Anh Lê Văn Ngăn tỏ vẻ không đồng ý khi một số người dùng từ "du côn" để nói về Thành "đầu bò", chính xác phải là "du đãng". Theo anh, trước 1975, chế độ cũ đã nhiều lần dùng chữ "du đãng" để chỉ những nhóm "giang hồ" kiểu Thành "đầu bò". Chữ "du côn" được ám chỉ những nhóm quậy phá, trộm cắp "tầm thường"; còn trong thành phần "du đãng" cũng có đối tượng trộm cắp nhưng phần nhiều là những kẻ không được chính quyền thu nhận làm việc, nảy sinh bất mãn chế độ, hay chặn đánh lính tráng, công chức.
Thực tế, trong băng nhóm của Thành "đầu bò" có nhiều người học thức ít nhiều, không trộm cắp kiểu "đầu đường xó chợ" mà có phần ứng xử nghĩa hiệp, chơi thân với một số trí thức; nhiều nhóm còn bị chính quyền sở tại coi như là đối địch quan điểm.
Theo ông Nguyên Đạt (người Huế, học Sư phạm Quy Nhơn khóa 1966 - 1968), Thành "đầu bò" là một đại ca dễ thương chứ không bặm trợn như một số đại ca khác trước 1975. Chúng tôi ghé lại căn nhà nhỏ trên đường Quy Nhơn thì được biết ông Thành "đầu bò" đã mất cách đây 2 năm. Bên bàn thờ người quá cố, bà vợ ông Thành cho hay: Sau 1975, chồng bà làm nhiều nghề mưu sinh và luôn giữ những kỷ niệm tốt đẹp đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Thành và nhà thơ Lê Văn Ngăn vẫn hay gặp nhau nhâm nhi trà lá, chia sẻ những buồn vui cuộc đời bên các quán cóc Quy Nhơn.
Còn theo nhà báo Lê Viết Thọ (người đã trực tiếp gặp Thành "đầu bò") thì câu chuyện có vẻ "chung chung" hơn. Trong lần gặp nhà báo, ông Thành có nói: Việc quen và chơi với Trịnh Công Sơn là có thật. Nhưng hồi đó Trịnh mới vào Quy Nhơn, cũng chỉ là một giáo sinh chưa mấy tên tuổi, nên chuyện ông ái mộ Trịnh Công Sơn từ trước là không có.
Số là, ông Thành "đầu bò" khi đó đang học Trường Trung học Cường Để, đã cùng một số "tay chân" tổ chức phục kích để khiêu khích và đánh nhau với giáo sinh Huế vào một buổi tối. Sau đó, Trịnh Công Sơn tìm gặp Thành "đầu bò" và giải thích phải trái. Rằng trong số những giáo sinh Huế thì cũng có người này người nọ, không phải ai cũng nói như vậy cả.
Lý lẽ xác đáng, cách nói chững chạc của Trịnh Công Sơn đã thuyết phục được nhóm của Thành "đầu bò", chấm dứt mối hiềm khích giữa giáo sinh Huế với thanh niên Quy Nhơn. Từ đó, những ngày rỗi, Thành "đầu bò" thường cùng bạn bè tụ tập nơi ngã tư "Quốc tế" (ngã tư Trần Hưng Đạo - Mai Xuân Thưởng, Quy Nhơn hiện nay) rồi mời Trịnh Công Sơn đi uống cà phê, đánh billard. Tuy nhiên, sau này ông Thành ít nhắc chuyện này vì sợ thiên hạ nói "thấy người quen bắt quàng…". Rồi ông bộc bạch: "Người nhạc sĩ ấy phong trần lắm. Mình thì ham chơi quá nên cũng ít thân, nhưng thâm tâm mình rất mê những bài hát và quý tính cách con người của anh Sơn".
Còn đó Tuyết Trắng, Thu Vàng
Theo nhận xét của nhà thơ Lê Văn Ngăn, những ngày trai trẻ ở Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn uống rượu chưa nhiều, chủ yếu là ngồi ở vài quán cà phê để một mình suy tưởng. Trịnh học khóa 1 tại Trường Sư phạm Quy Nhơn (1962-1964). Trong số khoảng 300 giáo sinh đậu vào khóa này, khoảng 60% là người Huế, còn lại rải rác các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum,...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (giữa) và các bạn thơ tại quán cà phê Thu Vàng (Quy Nhơn, 1989). ảnh do bà Trần Thị Thu Trang cung cấp.
Đa số giáo sinh lúc ấy đều là con nhà nghèo, không đủ khả năng vào Sài Gòn hoặc ra Huế theo học đại học. Họ cố thi vào sư phạm để chắc chắn trong hai năm sẽ có công ăn việc làm nuôi bản thân, giúp gia đình và cả việc tránh đi lính.
Những năm ở Quy Nhơn là thời gian Trịnh Công Sơn sáng tác khá sung sức. Ngồi uống rượu bên bờ biển, ông dùng que diêm chấm mực kẻ khuôn nhạc trong vỏ bao thuốc lá và viết nhạc. Viết xong bài nào lại đưa cho Ban Văn nghệ trong trường xướng âm, hát ngay bài đó. Trịnh Công Sơn là người thích tìm cái riêng mình, cái tĩnh lặng trong cái ồn ào. Ông hay ghé quán cà phê để lặng lẽ trầm tư cùng điếu thuốc bên ly đen.
Và có lẽ, chính từ những phút giây như vậy, vang vọng vào hồn ông thành những giai điệu, ca từ. Quán cà phê ông hay ghé đến nhất là Tuyết Trắng, nằm bên hông phải Hội trường Quy Nhơn hiện nay. Trịnh Công Sơn thường ngồi nhìn ra cửa sổ. Ở đó, khi ấy chỉ có bãi hoang đầy cát và những mái nhà phía xa.
Theo nhà thơ Lê Văn Ngăn, bản thân Trịnh Công Sơn luôn nhiều lần nhắc muốn trở lại Quy Nhơn. Nhưng từ khi ra trường đến hơn 30 năm sau, ông mới có dịp quay trở lại. Cuối năm 1998, Trịnh cùng với nhạc sĩ trong nhóm "những người bạn" đã về giao lưu với sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn. Trước đông đảo sinh viên và người dân phố biển, Trịnh xúc động kể lại những năm tháng ông theo học dưới mái Trường Sư phạm Quy Nhơn và hát say sưa, chia sẻ; có nhiều bài khán giả đã phụ họa hát theo như một dàn đồng ca, kéo dài không dứt...
Lần trở lại Quy Nhơn này, Trịnh Công Sơn đã tìm gặp Lê Văn Ngăn cùng một số bạn cũ, rồi ghé thăm quán cà phê Thu Vàng ở 70 Trần Cao Vân. Hồi ấy, đây là quán cà phê có nhạc sống đầu tiên ở Quy Nhơn và thường xuyên tổ chức các đêm hát nhạc Trịnh, và mừng sinh nhật ông vào ngày 28-2 hằng năm. Trịnh rất xúc động và ngay ngày thứ 2 trở lại Quy Nhơn, ông cùng những người bạn bất ngờ ghé quán như mọi khách uống cà phê bình thường khác.
Bà Trần Thị Thu Trang, chủ quán Thu Vàng khi đó giờ vẫn còn trân trọng giữ nhiều tấm ảnh chụp Trịnh đến quán nhà. Thu Vàng sau đó đã nhiều lần đổi địa điểm nhưng hình ảnh, thanh âm Trịnh Công Sơn vẫn chiếm không gian trang trọng… Bà Trang cho biết, vì lý do sức khỏe nên vừa nhượng lại quán Thu Vàng cho một chủ mới. Còn riêng với Trịnh Công Sơn, hai năm sau chuyến về Quy Nhơn, người nhạc sĩ thiên tài đã chia tay chốn địa đàng đúng vào ngày Cá tháng tư (1-4-2001)…