Triều Tiên: Từ hoàng kim đến...khổ nạn

Triều Tiên: Từ hoàng kim đến...khổ nạn
TPO - Một thời, Triều Tiên được mệnh danh là nước công nghiệp mạnh có thể sánh ngang hàng với Nhật Bản, vượt Hàn Quốc. Đâu là nguyên nhân khiến quốc gia Đông Bắc Á này đi vào chặng đường khổ nạn như hiện nay?

Triều Tiên: Từ hoàng kim đến...khổ nạn

> Triều Tiên cầu cứu Mông Cổ?

> ‘Con đường ma’ Triều Tiên khiến Hàn Quốc khiếp hãi 

TPO - Một thời, Triều Tiên được mệnh danh là nước công nghiệp mạnh có thể sánh ngang hàng với Nhật Bản, vượt Hàn Quốc. Đâu là nguyên nhân khiến quốc gia Đông Bắc Á này đi vào chặng đường khổ nạn như hiện nay?

Năm 2010, Triều Tiên tuyên bố mở cánh cửa “cường quốc”, cuối năm 2012, quốc gia này lại tranh thủ thời điểm phóng vệ tinh nhân tạo thành công và tuyên bố đã củng cố vị thế của “cường quốc vũ trụ”. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của Triều Tiên chưa có sự chuyển biến nào, thiếu lương thực vẫn đang là bài toán chưa có lời giải của quốc gia này, kinh tế công nghiệp lại càng tồi tệ hơn. Con đường “cường quốc” của Triều Tiên sẽ đi như thế nào đang trở thành một trong những chủ đề nóng được dư luận quốc tế bàn luận sôi nổi.

Thực ra, kinh tế Triều Tiên cũng đã từng có một thời hoàng kim, thập kỷ 60,70 thế kỷ trước đã từng cùng Nhật Bản được coi là hai nước công nghiệp lớn của châu Á, là một trong những quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất ở khu vực Đông Á, GDP của Triều Tiên không những cao hơn Trung Quốc, mà còn cao hơn cả Hàn Quốc. Năm xưa kinh tế Triều Tiên phát triển như thế nào, và vì sao lại suy thoái, liệu kinh tế Triều Tiên có tái hiện lại được thời hoàng kim hay không?

...
Tòa nhà Ryugyong cao 330m ở Bình Nhưỡng được dự định là khách sạn cao nhất thế giới khi bắt đầu khởi công năm 1987 nay vẫn đang dang dở
 

Nước công nghiệp sánh vai cùng Nhật Bản

Năm 1953, sau khi bán đảo Triều Tiên thực hiện hiệp định đình chiến không lâu, Triều Tiên bắt đầu quy hoạch tái thiết kinh tế. Thời điểm đó, phương Bắc chỉ là một đống đổ nát sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, nhà máy, công trường bị tàn phá nặng nề. Do binh lính và dân thường thương vong nghiêm trọng nên Triều Tiên thiếu sức lao động.

Năm 1954, Triều Tiên thực hiện kế hoạch ba năm khôi phục nền kinh tế quốc dân. Từ năm 1957 thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, năm 1961 thực hiện kế hoạch 7 năm lần thứ nhất, sau đó lại kéo dài 3 năm. Tháng 11-1970, tại đại hội đại biểu lần thứ 5 của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành tuyên bố Triều Tiên đã thành công trong việc trở thành nước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Thống kê cho thấy, 10 năm sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Triều Tiên lên tới 25%/năm, có thể coi là mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới thời điểm đó. Năm 1960, báo chí Đông Đức khen ngợi Triều Tiên là “kỳ kích phát triển của kinh tế Viễn Đông”. Và trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa của các nước châu Á, đất nước Triều Tiên thập kỷ 1960 được xếp ngang hành cùng Nhật Bản – quốc gia đã tạo ra kỳ kích kinh tế sau chiến tranh. Cuối thập kỷ 1960, toàn bộ nông thôn Triều Tiên có đường điện. Cuối thập kỷ 1970, Triều Tiên tự túc được trong lương thực.

Đầu thập kỷ 1980, 70% diện tích đất canh tác của quốc gia này được tưới tiêu, 95% hoạt động gieo cấy và 70% hoạt động thu hoạch được cơ khí hóa. Năm 1984, lần đầu tiên tổng sản lượng lương thực của Triều Tiên đạt 10 triệu tấn, đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu một phần. Kinh tế công nghiệp của Triều Tiên thời điểm đó cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Triều Tiên là nước quan sát viên trong Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) đứng đầu là Liên Xô.

Sự phát triển vượt bậc về kinh tế khiến GDP bình quân theo đầu người, tuổi thọ, tỉ lệ người biết chữ của Triều Tiên tăng lên nhanh chóng. Chế độ phúc lợi xã hội của Triều Tiên thời kỳ đó cũng khá cao, năm 1979 đã thực hiện toàn diện chế độ giáo dục miễn phí và y tế miễn phí, cung tấp toàn đồ dùng cần thiết là áo khoác, áo may ô và giày cho đối tượng từ trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến sinh viên đại học. Và việc phân bố nguồn của cải xã hội ở Triều Tiên khá đồng đều, không chênh lệch lớn như Hàn Quốc. Có thể nói, năm 1979, Triều Tiên là một quốc gia chuẩn hiện đại hóa.

Cuộc sống của người dân Triều Tiên hiện nay hết sức khó khăn
Cuộc sống của người dân Triều Tiên hiện nay hết sức khó khăn.

Cùng thời điểm đó, các chỉ tiêu sản phẩm công nông nghiệp của Hàn Quốc cũng tương đương với Triều Tiên, tuy nhiên do dân số Hàn Quốc gấp đôi Triều Tiên, cộng với việc chênh lệch giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc quá lớn nên trong thực tế, năm 1979, trong vấn đề hiện đại hóa quốc gia, Hàn Quốc còn thua xa Triều Tiên.

Trung Quốc, Liên Xô hậu thuẫn

Đâu là nguyên nhân khiến kinh tế Triều Tiên có thể phát triển mạnh mẽ như vậy? Một là, sau khi bán đảo thực hiện đình chiến, chính phủ Triều Tiên đã xác định được chính sách đúng đắn phát triển kinh tế là trung tâm, xác định được tỉ lệ phát triển thích hợp cho nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng; Hai là cục diện khu vực và thế giới tương đối ổn định; Ba là sự viện trợ của cộng đồng quốc tế; Bốn là thiên tai xảy ra ít. Dĩ nhiên, sự viện trợ của Liên Xô, các nước Đông Âu và Trung Quốc cũng có vai trò thúc đẩy quan trọng.

Theo hồ sơ ngoại giao đã được giải mật của Trung Quốc, trong thời gian diễn ra chiến Tranh Triều Tiên 1950-1953, Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Triều Tiên khoản vật tư phục vụ cho chiến tranh và nhu yếu phẩm dùng trong đời sống hàng ngày với tổng trị giá lên tới 729,5 triệu NDT. Trong giai đoạn 1958-1963, mặc dù là giai đoạn khó khăn nhất nhưng Trung Quốc vẫn gánh vác 29 dự án như phát triển nhà máy dệt may, nhà máy sản xuất mía đường, nhà máy linh kiện vô tuyến điện… cho Triều Tiên theo hình thức cho vay không tính lãi.

Ngày 5-10-1960, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã có cuộc gặp gỡ với phó thủ tướng Triều Tiên Lý Chu Uyên, ông Chu Ân Lai kiến nghị Triều Tiên nên ưu tiên phát triển các dự án nhanh và ngắn, đồng ý cho Triều Tiên vay 420 triệu Rúp chia ra trong 4 năm. Còn thời điểm hoàn trả, trả được thì trả, không trả được thì ra hạn, kéo dài 10-20 năm cũng không sao, hoặc có thể để thế hệ sau hoàn trả. Năm 1962, để đáp ứng nhu cầu cấp bách của Triều Tiên, Trung Quốc đã tháo dỡ toàn bộ thiết bị của nhà máy dệt may số 4, số 5 Hàn Đan đã xây dựng xong nhưng chưa đưa vào sử dụng và vận chuyển sang Triều Tiên. Năm 1972, Trung Quốc và Triều Tiên ký kết cùng xây dựng đường ống dẫn dầu và sẽ hoàn công vào tháng 1-1976, công suất dẫn dầu lên tới 4 triệu tấn/năm. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên xây dựng nhà máy nhiệt điện 200.000 kW, hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng… trong khi tại thời điểm đó, các thành phố của Trung Quốc, ngoài Bắc Kinh ra đều chưa có tàu điện ngầm.

Quy mô viện trợ của Liên Xô đối với Triều Tiên cũng rất lớn. Theo thống kê của Liên Xô, đến tháng 4-1960, Moscow đã viện trợ không hoàn lại cho Triều Tiên 1,3 tỉ Rúp, ngoài ra còn có 3,6 tỉ Rúp cho vay với lãi suất thấp. Sau đó Liên Xô còn ký kết hiệp định viện trợ kỹ thuật và hiệp định thương mại lâu dài với Triều Tiên, giúp Triều Tiên xây dựng nhà máy sản xuất thép, nhà máy phát điện, nhà máy lọc dầu… cung cấp thiết bị, công nghệ…

Từ “thời hoàng kim” đến “chặng đường khổ nạn”

Tuy nhiên, bắt đầu từ thập kỷ 1990, kinh tế Triều Tiên bắt đầu xuất hiện hiện tượng suy thoái. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình quốc tế biến động mạnh, đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô và khối Đông Âu, khiến ngành thương mại đối ngoại của Triều tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các khoản viện trợ quốc tế cũng giảm mạnh, cơ cấu kinh tế của Triều Tiên mất cân bằng, sự ưu tiên cho quốc phòng đã làm tiêu hao nguồn của cải quốc dân khổng lồ, không những trực tiếp bài xích nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, mà còn bài xích hoạt động sản xuất tư liệu sản xuất dân dụng.

Thiên tai liên tiếp xảy ra và ruộng đồng nhiều năm liền không được đầu tư nên không thể chống đỡ được với thiên tai. Việc tập trung quá mức cho quốc phòng khiến ngành công nghiệp thiếu sức lao động nghiêm trọng. Do sự phong tỏa và trừng phạt về kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây, Triều Tiên bị cô lập và đứng ngoài cộng đồng quốc tế, không gian hợp tác chính trị quốc tế của Triều Tiên ngày càng bị thu hẹp.

Nông dân làm việc trên cánh đồng ở tây bắc Bình Nhưỡng
Nông dân làm việc trên cánh đồng ở tây bắc Bình Nhưỡng.
 

Sau thập kỷ 1990, môi trường thương mại quốc tế ngày càng xấu đi, dự trữ ngoại tệ của triều Tiên ngày càng ít, hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu và dầu thô giảm mạnh, từ đó khiến hoạt động luyện kim, khai thác than, sản xuất điện cũng tụt dốc nhanh chóng, cả ngành công nghiệp rơi vào trạng thái suy thoái nghiêm trọng. Do không đủ nguyên liệu, nhiên liệu, điện, hầu hết các doanh nghiệp vừa và lớn ở trong trạng thái dừng sản xuất hoặc bán sản xuất, tỉ lệ máy móc được hoạt động trong doanh nghiệp chỉ đạt 30%. Sau khi Liên Xô giải thể, giữa Nga và Triều Tiên không còn duy trì hình thức hợp tác thương mại hàng đổi hàng, mà yêu cầu Triều Tiên phải bỏ tiền mặt ra để mua hàng hóa của Nga.

Nga không còn cung cấp phân bón cho Triều Tiên, sản lượng lương thực của Triều tiên giảm mạnh, dầu mỏ không đủ khiến nông trường cơ giới hóa lại quay về với thời lao động thủ công. Ngoài ra, thiên tai liên tiếp xảy ra khiến kinh tế Triều Tiên rơi vào thời kỳ khổ nạn. Từ lâu kinh tế Triều Tiên chủ yếu lệ thuộc vào nguồn viện trợ lớn từ Trung Quốc, từ năm 1991, Trung Quốc thay thế Liên Xô và trở thành nước duy nhất cung cấp dầu thô cho Triều Tiên, mỗi năm vận chuyển cho quốc gia này 500.000 tấn dầu, chiếm 80% tổng tượng dầu mỏ nhập khẩu của Triều Tiên. Năm 2005, nguồn lương thực Trung Quốc viện trợ cho Triều Tiên 531.000 tấn, chiếm 92% tổng lượng lương thực mà thế giới viện trợ cho quốc gia này.

Lịch sử mấy chục năm qua đã cho thấy, xét về nguồn tài nguyên thiên nhiên, tố chất quốc dân, trình độ khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp tương đối độc lập, Triều Tiên hoàn toàn có thể thực hiện giấc mơ cường quốc, nếu có chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn, chính sách phù hợp và nền kinh tế hội nhập với cộng đồng quốc tế, khôi phục lại những thành tựu huy hoàng năm xưa và trở thành cường quốc đích thực không hề khó. Có thể Triều Tiên đã lấy Trung Quốc thời kỳ 1960 làm “tấm gương”, giai đoạn đó kinh tế Trung Quốc vô cùng khó khăn, mặc dù bị cộng đồng quốc tế cô lập nhưng Trung Quốc vẫn nhấn mạnh tinh thần tự lực cánh sinh, trong bối cảnh khó khăn như vậy vẫn phát triển bom nguyên tử và thoát ra được hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng lịch sử không thể làm phép so sánh đơn giản như vậy, hiện trạng của Triều Tiên hoàn toàn không giống với Trung Quốc năm xưa. Sự “phong tỏa” của Mỹ không thể ngăn cản được bước tiến của Trung Quốc. Nhưng Triều Tiên lại khác, diện tích nhỏ, dân số ít, điều kiện tự nhiên khắc nghiệp, thiếu ruộng canh tác, không thể tự túc lương thực, mặc dù có tài nguyên khoáng sản nhưng nếu mất đi thị trường trao đổi quốc tế, nền kinh tế quốc dân sẽ rất khó duy trì.

Cuộc Chiến tranh lạnh trong thập kỷ 1960 đã thúc đẩy các nước phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia, tuy nhiên, trong bối cảnh hòa bình như hiện nay mà phát triển vũ khí hạt nhân để phá hoại cục diện hòa bình thế giới sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.

Huy Long
Theo Nhân dân nhật báo

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.