> Thế giới lo lắng vì Triều Tiên phóng tên lửa thành công
> Chi phí phóng tên lửa đủ nuôi cả nước trong 5 năm
> Người dân Triều Tiên ăn mừng vụ phóng tên lửa thành công
Vụ phóng tên lửa hôm 12-12 của Triều Tiên tiêu tốn khoảng 850 triệu USD. |
Các quan chức Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng đã chi 850 triệu USD cho cuộc phóng tên lửa vệ tinh hôm 12-12-2012. Trong khi đó, Triều Tiên còn đang nhận viện trợ lương thực và chịu rất nhiều lệnh cấm vận quốc tế.
Khó khăn thực sự đến với Triều Tiên kể từ năm 2010. Đây là thời điểm nhiều quốc gia đã cắt các khoản viện trợ cho nước này, đồng thời phong toả tài khoản tại các ngân hàng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm đáng kể.
Theo thống kê, trong năm này kim ngạch thương mại liên Triều giảm 20% so với năm trước. Đặc biệt mức hỗ trợ giảm 83% từ gần 5,7 triệu USD xuống 1 triệu USD. Năm 2011, mức phát triển kinh tế của Triều Tiên giảm 0,5% so với năm 2010, sau khi suy giảm 0,9% trong năm 2009.
GDP danh nghĩa của Triều Tiên đạt 30 nghìn tỷ Won trong năm 2010, tương đương 26,5 tỷ USD, so với mức 1.173 nghìn tỷ Won của Hàn Quốc. Thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2010 đạt mức 1,24 triệu Won, so với mức 24 triệu Won của Hàn Quốc. Triều Tiên hiện là một trong những quốc gia nghèo và phát triển kém nhất thế giới.
Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn như vậy, trong những năm gần đây, Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Tính từ cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của Triều Tiên (được ghi nhận diễn ra vào các ngày 29 và 30-5-1993) đến nay (bao gồm cả vụ phóng tên lửa hôm 12-12-2012), Bình Nhưỡng đã bắn tổng cộng ít nhất 17 quả tên lửa và tiến hành hai vụ thử nghiệm hạt nhân.
Theo giới quân sự phương Tây, Triều Tiên hiện có hơn 1.000 tên lửa với khả năng hoạt động đa dạng. Chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng được bắt đầu từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Theo các chuyên gia nước ngoài, các tên lửa của Triều Tiên hoàn toàn có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Giải thích về sự kiên trì các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tốn kém của Triều Tiên trong nhiều thập niên, giới quan sát cho rằng, lý do chủ yếu khiến chính quyền Triều Tiên tiếp tục theo đuổi kế hoạch phóng tên lửa là vì người dân nước này.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ làm việc này để tưởng niệm 1 năm ngày mất của cha ông là Kim Jong-Il mà còn muốn thể hiện chính sách ngoại giao cứng rắn của mình hoàn toàn không chịu tác động từ bên ngoài, kể cả quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Báo chí Hàn Quốc cho rằng, đằng sau sự không khoan nhượng của Bình Nhưỡng là niềm tin vững chắc rằng chỉ có vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa mới có khả năng đảm bảo sự tồn vong của đất nước trước các thế lực thù địch ở bên ngoài, trong đó phải kể đến Mỹ và Hàn Quốc.
Mặc dù cộng đồng thế giới coi đó là ý nghĩ “lạ thường” hoặc hoàn toàn ảo tưởng, nhưng vấn đề ở đây là ý nghĩ bị tấn công và bị ngược đãi trong tâm trí người dân Triều Tiên và cả ban lãnh đạo là giống nhau, và dường như họ đều đang ở trong tình trạng “bị thôi miên”.
Điều này cũng lý giải tại sao người dân Triều Tiên vẫn im lặng trước việc các vụ thử tên lửa hao tiền tốn của được tiến hành vào lúc nạn đói vẫn đang hiện hữu ở nước này.
Các chuyên gia nhận định rằng không có bất kỳ sự cấm vận hay trừng phạt nào của cộng đồng quốc tế (kể cả những biện pháp đang được áp dụng) có thể khiến Triều Tiên thay đổi suy nghĩ của họ. Hơn ai hết, chính quyền Bình Nhưỡng hoàn toàn hiểu rõ làm cách nào để tồn tại khi bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Bên cạnh đó, họ còn có sự hậu thuẫn của quốc gia láng giềng Trung Quốc với vai trò là một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bắc Kinh luôn coi Bình Nhưỡng là “lá bài chiến lược” quan trọng để mặc cả với Washington.
Theo Nh.Thạch
petrotimes.vn