Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới đã thực hiện các đợt triệu hồi xe với số lượng khá lớn. Vào đầu tháng 5, Mercedes-Benz triệu hồi gần 300.000 xe với các dòng ML, GL và R-Class vì vấn đề về bộ trợ lực phanh. Trước đó, hồi đầu năm nay Ford ra thông báo triệu hồi 280.000 xe thuộc các mẫu F-150, Navigator và Expedition vì lỗi mất lực phanh khi đỗ. Một ông lớn khác là BMW cũng đã triệu hồi gần 1 triệu xe tại Mỹ do gặp vấn đề ở động cơ có thể dẫn đến hỏa hoạn.
Nhiều thương hiệu xe sang trên thế giới chủ động thông báo triệu hồi khi phát hiện và phòng ngừa các rủi ro liên quan đến một số vấn đề của sản phẩm |
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022, các đợt triệu hồi xe được thông báo trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể kể đến như chương trình triệu hồi của hãng Honda mã hiệu số 3MF để kiểm tra và lắp đặt bộ bảo vệ nhiệt trên ống dẫn làm mát dầu của mẫu xe Honda CBR1000RR-R Fireblade; chương trình triệu hồi để kiểm tra và thay thế linh kiện túi khí xe Audi Q5 hay chương trình triệu hồi để sửa chữa mối hàn ụ lắp giảm chấn phía trước trên dòng xe Toyota Raize.
Trong năm 2021 và những năm trước đó, các nhà sản xuất ô tô khác tại Việt Nam như Ford Việt Nam, Mitsubishi, Volvo, Mercedes-Benz… cũng thực hiện các đợt triệu hồi liên quan đến một số dòng sản phẩm của hãng.
Có thể thấy rằng, việc triệu hồi xe là câu chuyện không hề hiếm và việc này cũng làm cho một số người tiêu dùng có xe thuộc diện triệu hồi khá hoang mang, lo lắng. Đồng thời, các thông tin triệu hồi cũng làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận, trao đổi trên mạng xã hội và các diễn đàn thể hiện quan ngại của cộng đồng và những người sử dụng xe về vấn đề chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất. Vậy thực sự, triệu hồi đúng từ quyền lợi của khách hàng là tốt hay là xấu? Nên hiểu thế nào cho đúng về triệu hồi?
Dưới góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất ô tô, việc triệu hồi phương tiện lại thể hiện năng lực quản lý sản xuất của hãng cũng như trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Là một người am hiểu thị trường xe trong nước và quốc tế, ông Phạm Thành Lê, admin diễn đàn OtoFun chia sẻ: “Đầu tiên khi nhắc đến triệu hồi xe, người dùng có thể coi đó là dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng của hãng. Khi phát hiện vấn đề với sản phẩm, việc triệu hồi sửa chữa là bình thường, có thể nói đây cũng là điều tạo nên uy tín cho hãng xe và nó thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của hãng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngược lại, nếu một hãng xe một năm phải triệu hồi nhiều lần thì chứng tỏ chất lượng sản phẩm có vấn đề”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: “Việc triệu hồi là một dấu hiệu tốt bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy hãng xe có năng lực quản lý sản xuất, giám sát được các quy trình để tìm ra lỗi và đưa ra thông báo nhằm khắc phục. Trải qua quá trình đó, chiếc xe sẽ trở nên an toàn hơn. Thậm chí có những thông tin triệu hồi rất đơn giản mà người dùng nghĩ lỗi đó không ảnh hưởng tới xe, điều đó cho thấy các nhà sản xuất ô tô đã nhận ra họ phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Không thể đơn giản nhận định đó là xe ‘lởm’ hay kém chất lượng vì xe nào cũng có thể gặp lỗi”.
Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô chia sẻ: “Có thể hiểu việc triệu hồi là việc rất bình thường trong hoạt động sản xuất ô tô trên thế giới. Về nguyên tắc, các hãng xe phải có trách nhiệm với sản phẩm của họ nếu xác định có lỗi ở nhà sản xuất và đó là lỗi hàng loạt. Hãng xe nào cũng sẽ gặp phải những điều này, quan trọng là trách nhiệm của hãng và cách họ thực hiện. Hầu hết các hãng xe trên thế giới đều tuân thủ và tự giác làm điều đó. Nếu họ không tự giác thì khi đó các cơ quan quản lý sẽ phải vào cuộc. Nhiều người rất sợ khi nghe đến triệu hồi nhưng thực ra không phải xe nào trong thông báo triệu hồi cũng đều có lỗi. Các nhà sản xuất ô tô sẽ có quy trình xác định nguyên nhân, khoanh vùng các sản phẩm, sau đó sẽ kiểm tra và khắc phục những sản phẩm bị lỗi”.
“Chẳng hạn như một lỗi liên quan đến thiết kế phanh, hãng xe sẽ phải xác định lỗi xuất phát từ nhà cung cấp phanh, sau đó đánh giá số lượng những xe bị ảnh hưởng để triệu hồi và thay lại phanh nếu bắt buộc. Chủ xe không nên nhầm lẫn triệu hồi với sửa chữa xe thông thường. Trong một số trường hợp, có thể chưa có vấn đề nào được ghi nhận nhưng hãng phát hiện ra nguy cơ gây hỏng hóc và mất an toàn thì việc triệu hồi vẫn sẽ diễn ra”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng những đợt thu hồi xe không mang lại 'điềm gở' cho các chủ sở hữu. Trái lại, người dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi thương hiệu ô tô họ sử dụng không ngại công khai khuyết điểm, thể hiện sự quyết tâm mang lại một sản phẩm an toàn và đáng tin cậy.