> Triều cường ở Cà Mau vượt đỉnh năm 2011
Triều cường dâng cao vượt ngoài dự báo, làm vỡ và tràn nhiều bờ bao (ảnh), gây ngập nặng nhiều nơi. Theo các chuyên gia, thời gian tới, có khả năng đỉnh triều cường sẽ còn dâng cao hơn 1,6 m.
Theo TTĐHCNN, TPHCM hiện còn 31 điểm ngập. Từ nay đến cuối năm 2012, dự kiến thành phố xóa 10 điểm ngập, năm 2015 hoàn tất việc chống ngập.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý chống ngập, cho biết TPHCM đã nâng cấp, cải tạo khoảng 2.100 km/6.500 km cống được phê duyệt từ năm 2001. Đến nay, khi mưa lớn, mức ngập tại nhiều điểm ngập trước đây đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, khi mưa lớn kéo dài, triều cường dâng cao, nhiều nơi vẫn còn ngập do nhiều dự án chưa kết nối đồng bộ trong việc tiêu thoát nước.
Do đó, muốn chống ngập căn cơ, TPHCM phải hoàn tất các dự án còn lại, kết nối đồng bộ giữa phần cống và kênh, cải tạo hơn 4.000km cống còn lại, hoàn tất mạng lưới kênh rạch…
Trước mắt, TPHCM cần đào thêm hồ điều tiết, mở rộng các kênh rạch lớn để vừa đóng vai trò điều tiết nước mưa, vừa tăng khả năng tiêu thoát nước tự nhiên.
* Vùng dễ bị tổn thương do triều cường ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau là khu vực ven biển. Quy luật triều cường thường xảy ra những tháng cuối năm, nhưng năm nay triều đã đến sớm và vượt đỉnh năm 1997.
Diện tích tràn do triều cường ở Cà Mau liên tục tăng những năm gần đây, năm sau cao hơn năm trước.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, nói: “Trạm Khí tượng thủy văn cho biết, sẽ có những đợt triều cường những tháng cuối năm. Cụ thể là từ ngày 30-10 đến ngày 2-11 sắp tới”.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), nói: “Chúng tôi vận động bà con gia cố bờ sông, bờ vuông tôm để chống lại đợt triều cường sắp tới, dự báo cao hơn những năm trước”.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN- PTNT Bạc Liêu, cho biết: “tỉnh đang thống kê thiệt hại để hỗ trợ kịp thời cho người dân và đối phó những đợt triều cường mới”.