Triển lãm “Sự bí ẩn của cơ thể người” tại TPHCM đang gây tranh cãi, quan điểm của anh thế nào?
Trong mười mấy năm qua, những triển lãm tương tự đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút hàng chục triệu người xem. Bản thân tôi, khi còn ở châu Âu, từng xem một triển lãm và cảm thấy rất thú vị. Tôi cũng biết rằng ở nhiều quốc gia có những ý kiến phản đối triển lãm này.
Một số nhà mỹ thuật cho rằng triển lãm này nhân danh nghệ thuật nhưng thực tế không hàm chứa nghệ thuật. Nếu coi nó là triển lãm y tế, hướng tới mục đích giáo dục theo anh có hợp lí và có thể chấp nhận được hay không?
Tôi không muốn đi vào một cuộc tranh luận cái gì, khi nào thì được coi là nghệ thuật, và cho rằng cũng không cần phải dán một cái nhãn cho triển lãm này hay cho bất cứ triển lãm nào. Ở nước ngoài, triển lãm này hay được đặt trong các bảo tàng khoa học, hoặc trong bất cứ phòng trưng bày nào đủ lớn. Với tôi, tính nghệ thuật của triển lãm là có, các mẫu vật được làm với độ tinh xảo, cho thấy vẻ đẹp của cơ thể con người, của tạo hoá.
Về khía cạnh nhân văn, đạo đức, tôi có một băn khoăn duy nhất: Các cơ thể hay bộ phận cơ thể được trưng bày có phải là của những người có chủ ý hiến xác hay không, hay chúng được sử dụng mà không có sự đồng ý của những cá nhân này khi họ còn sống. Nếu ban tổ chức chứng minh được điều này thì tôi không có băn khoăn gì về mặt đạo đức.
Chiều 5/7 tại cuộc họp báo về hoạt động ngành 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho hay trước dư luận trái chiều, Bộ chờ báo cáo từ Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM. Mặt khác, Bộ cử Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vào TPHCM thẩm định triển lãm và có báo cáo độc lập.
Bên cạnh một số ý kiến chấp nhận triển lãm cơ thể người, nhiều người phản đối triển lãm vì cho rằng triển lãm mang lại cảm giác ghê rợn, phản cảm. Chia sẻ với Tiền Phong, họa sĩ Trần Khánh Chương nói rằng ông nhận thấy triển lãm này vô nhân tính, không thể chấp nhận việc mang cơ thể người chết ra trưng bày.