Tước gốm hoa nâu |
Từ nhiều ngày trước Tết, người yêu cổ vật Hà Nội đã kháo nhau đã náo nức chờ đón cuộc triển lãm đặc sắc nhất từ trước đến nay của Hội cổ vật Thăng Long.
Chiều 28 Tết, nhà triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng mở cửa, khách tham quan không khỏi bị bất ngờ khi được chiêm ngưỡng những món cổ vật trưng bày lần này.
Ông Nguyễn - nhà sưu tập cổ vật Đông Sơn và tiền Đông Sơn đang sở hữu bộ sưu tập đồ đá và đồ đồng đẹp bậc nhất Hà Nội - có mặt ngay sau khi triển lãm mở cửa, nhận xét: “Cổ vật trưng bày ở đây có chọn lọc, có thẩm định, thực sự quý, hoàn toàn không lẫn đồ giả, đồ sửa. Nhiều món đồ rất đẹp, lần đầu tiên tôi được xem”.
Đồ gốm và đất nung Lý - Trần |
Chuyên sưu tập cổ vật Đông Sơn, ông Nguyễn đánh giá cao bộ trống đồng Đông Sơn và Đông Sơn muộn gồm ba chiếc của các nhà sưu tập Đào Phan Long và Mai Xuân Trường. Những chiếc trống kích thước lớn (khoảng 70cm đường kính bề mặt), hoàn toàn nguyên vẹn, với nhiều hoa văn đặc sắc trên mặt trống và tang trống.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn cũng đánh giá rất cao những thạp đồng mang hình con thuyền chở các chiến binh lành lặn đủ cả nắp, những con dao găm cán hình rắn xuắn nhau đỡ lấy con hổ, những bộ bao chân bằng đồng của các lạc tướng xa xưa gắn những chiếc chuông nhỏ, chiếc muôi đồng cán dài gắn tượng người... của các nhà sưu tập Quốc Bình, Vũ Quốc Hội, Vũ Thuý Nga.
Không chỉ đồ đồng, cuộc triển lãm đủ các đồ cổ thuộc nhiều chất liệu: đá, đất nung, gốm, sứ, vàng, gỗ... Bộ chum, choé, thống có kích thước rất lớn, hoàn toàn lành lặn, gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan bởi những hình vẽ rực rỡ, sinh động.
“Đôi chum mang hình vẽ có dát vàng thật là của nhà sưu tập Cao Xuân Trường, ông mua lại từ một nhà sưu tập Anh Quốc rồi vận chuyển về Việt Nam, được giới cổ vật định giá khoảng hơn một triệu đô la Mỹ”, nhà sưu tập Mai Xuân Trường cho biết.
Trống đồng Đông Sơn muộn |
“Những cổ vật trưng bày ở đây không chỉ có giá trị lớn, chúng còn gói trong mình tấm lòng của các hội viên Hội cổ vật Thăng Long. Để vận chuyển, xếp đặt hiện vật, chủ nhân không dám thuê người, họ trực tiếp làm lấy. Chỉ một chút sơ sểnh, hiện vật gẫy mẻ, giá trị có thể giảm đến 90%”, ông Trường tâm sự.
Cuộc triển lãm có đầu rồng, đầu phượng bằng đất nung; nhiều lọ, tước, ấm, đĩa... bằng gốm, đều thuộc đời Lý. Có cả những chiếc đĩa có hình rồng và hình phượng.
Theo họa sỹ Lê Huy - hội viên Hội cổ vật Thăng Long, những hiện vật đặc sắc này mang đậm dấu ấn Phật giáo thời Lý, những hiện vật mang hình rồng, phượng nhiều khả năng là đồ dùng của hoàng tộc. Chúng được trưng bày dịp kỷ niệm ngàn năm Lý Công Uẩn định đô ở đất Thăng Long, nên rất có ý nghĩa.
Tháp đất nung thời Trần - Ảnh: Trần Đăng Viên |
Từ khi mở cửa, triển lãm luôn đông khách, nhiều khách quốc tế lộ rõ vẻ bất ngờ và thích thú. Có người yêu cổ vật từ TP Hồ Chí Minh bay ra, chỉ xem xong triển lãm rồi bay vào ngay.
Nhiều khách tham quan mong muốn chính quyền TP Hà Nội nên có một địa điểm cố định để trưng bày các cổ vật hết sức có giá trị về lịch sử và văn hoá này, một nơi như vậy sẽ trở thành điểm đến quý giá của học sinh, sinh viên, giúp họ thêm hiểu, thêm yêu những gì cha ông ta xưa đã từng làm nên.
Mong ước đó đang có điều kiện trở thành hiện thực. Bảo tàng Hà Nội đang được gấp rút hoàn thành kịp khánh thành vào dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội sẽ là địa điểm lý tưởng để cuộc triển lãm tái xuất hiện với công chúng Thủ đô.
Triển lãm dự kiến mở cửa trong một tháng, không bán vé. Hội cổ vật Thăng Long dự kiến bán đấu giá toà tháp bằng đất nung thời Trần (nhà sưu tập Nguyễn Gia Thọ), giá khởi điểm 100 triệu đồng. Số tiền bán được sẽ ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Hà Nội. |