Từ ngày 22/3, UBND thành phố Hà Nội bắt đầu lấy ý kiến dự thảo quy định quản lý hồ Tây. Trong đó, thay vì 8 đơn vị cùng quản lý khai thác hồ Tây như thời gian qua, dự thảo quy định quận Tây Hồ là đầu mối quản lý, phối hợp các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ.
Theo dự thảo, khu vực hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây do quận Tây Hồ quản lý. Ngoài ra, còn có 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động là kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực); dịch vụ bơi thuyền (gồm chèo thuyền kayak, thuyền peritxoa, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống); hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn.
Tàu “ma” án ngữ trên mặt nước hồ Tây suốt 6 năm qua (ảnh: Nguyễn Trường). |
Thành phố Hà Nội cũng muốn hồ Tây phát triển nhiều dịch vụ du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thể thao; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; kinh doanh sân tập golf nước trên hồ.
Tập trung thanh thải 4 tàu “ma”
Liệu cho phép du thuyền hoạt động trên hồ Tây có ảnh hưởng việc di dời loạt tàu “ma” án ngữ tại hồ Tây suốt 6 năm qua hay không? Đại diện UBND quận Tây Hồ nói rằng, việc thanh thải 4 phương tiện này ra khỏi hồ Tây là bắt buộc bởi những tàu này không đủ điều kiện để kinh doanh như Thông báo số 372 của UBND thành phố Hà Nội đã kết luận các doanh nghiệp có sai phạm: các phương tiện không được kiểm định theo quy định, không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm hồ Tây, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy theo quy định. Do đó, các doanh nghiệp yêu cầu bồi thường tài sản, việc bồi thường thiệt hại do ngừng kinh doanh trên hồ Tây là không có căn cứ.
Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, để chuẩn bị cho việc tiếp nhận quản lý hiệu quả hồ Tây, UBND quận Tây Hồ đã mời Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng Đề án "Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển của Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. "Đây cũng là cơ sở để UBND quận tổ chức quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây thực sự hiệu quả trong thời gian tới", vị đại diện khẳng định.