Triển khai 4G tại Việt Nam: Nên có trọng điểm

Ông Yuan Song – Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam
Ông Yuan Song – Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Yuan Song – Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam cho biết, ở châu Âu và Trung Quốc, giai đoạn đầu khi triển khai 4G, các nhà mạng bị lỗ khá lớn.

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc triển khai cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam. Các nhà mạng cũng như một số chuyên gia viễn thông cho rằng, thời điểm triển khai cung cấp 4G tại Việt Nam phù hợp nhất là từ năm 2015. Việc bắt tay vào triển khai 4G tại Việt Nam trong vòng hơn 1 năm tới có là quá sớm?

Triển khai 4G hay không là do người sử dụng quyết định. Nếu người sử dụng muốn có được tốc độ nhanh hơn, cảm ứng tốt hơn và cũng có thể chịu được gói cước đắt hơn, thì tại sao nhà khai thác mạng lại không triển khai 4G?

Hiện thiết bị đầu cuối 4G đang giảm giá rất nhanh. Vào lúc này, đã có thiết bị đầu cuối với giá dưới 150 USD/sản phẩm. Dự kiến đến năm 2015, giá thiết bị đầu cuối 4G sẽ giảm xuống đến 100 USD/sản phẩm. Trong giai đoạn bắt đầu triển khai 4G, đối tượng phục vụ chính chỉ là một số người sử dụng trong phạm vi nhỏ, đa số người dùng vẫn sử dụng 3G.

Vậy theo ông, liệu có nên triển khai 4G ở vùng trọng điểm đô thị, hay nên triển khai diện rộng sau khi được cấp phép?

Từ kinh nghiệm của các nước phát triển (Mỹ, Đức), lúc đầu nên triển khai 4G (xây dựng mạng lưới) ở vùng trọng điểm đô thị. Trong giai đoạn giữa, sẽ mở rộng diện phủ sóng của mạng lưới, tăng cường dung lượng và hình thành một mạng lưới dày trong giai đoạn cuối. Đây là cách làm phổ biến của nhà khai thác mạng.

Tất nhiên, cũng có một cách thức khác như cung cấp dịch vụ truy cập băng thông vô tuyến một cách phổ biến tại khu vực mà chưa có dịch vụ mạng lưới cố định.

Các nhà mạng tại Việt Nam vẫn dè dặt và cho rằng khi mà kinh doanh 3G vẫn đang lỗ, thì việc triển khai 4G sẽ càng khiến hiệu quả kinh doanh bị hạn chế. Ông có bình luận gì?

Các nhà khai thác mạng của Âu Mỹ cũng bị lỗ trong giai đoạn bắt đầu triển khai 3G. Đây là do thói quen của người sử dụng chưa được hình thành và nội dung còn ít. Bây giờ nội dung ngày càng phong phú hơn, dữ liệu di động (mobile data) cũng mang lại ngày càng nhiều tiện lợi cho người sử dụng, cho nên các nhà khai thác mạng đã bắt đầu có lãi. Tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ như thế.

Như tôi vừa nói, việc triển khai 4G là tùy vào nhu cầu của thị trường. Châu Âu và Trung Quốc triển khai 4G cũng phải từ từ, có trọng điểm như đô thị, hay những khu vực không có băng thông cố định, chứ không phải triển khai đồng loạt.

Tại Trung Quốc, từ năm 2013 đã triển khai 4G ở quy mô lớn, nhưng cá nhân tôi khi về nhà vẫn dùng 3G. Chắc chắn giai đoạn đầu triển khai 4G giá thành sẽ đắt hơn, giá thiết bị đầu cuối đến cuối 2014 mới có thể giảm xuống 150 USD, nên đó là quá trình lâu dài và từ từ.

Nhưng các chuyên gia cho rằng, chất lượng và nhu cầu sử dụng 3G hiện nay ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức trung bình. Các dịch vụ lõi của 3G đang được các nhà mạng cung cấp chỉ có vài dịch vụ cơ bản như truy cập internet tốc độ cao. Các dịch vụ khác như truyền hình mobile, video call, music hầu như có rất ít người sử dụng. Vậy, để người dùng sẵn sàng cho các dịch vụ của 4G, các doanh nghiệp cần làm gì?

Tại những nước phát triển, ví dụ như Mỹ, 4G đã là một chỉ số tiêu chuẩn và phổ biến đối với điện thoại rồi (ví dụ: trong 60 loại thiết bị đầu cuối mà nhà mạng AT&T bán, có 49 loại thiết bị có thể sử dụng được 4G). Nhưng nhu cầu của người sử dụng về mobile tv, video call vẫn còn thấp.

Nguyên nhân chính là do việc cung cấp nội dung, bao gồm ảnh, video, game còn hạn chế. Trước đây chúng ta xem tivi, đọc báo và nghe đài để thu thập được những thông tin. Sau đó trở thành đọc thông tin và xem ảnh trên mạng, bây giờ chúng ta lại có thể xem video sau khi có dịch vụ 3G.

Hiện tại tốc độ lấy thông tin ngày càng nhanh hơn, nhất là với sự phát triển của các mạng cộng đồng, người sử dụng sẽ gửi và xem ảnh và video hàng ngày. Chính vì thế dịch vụ 3G mới ngày càng phát triển hơn, và triển khai được 4G. Thực ra nhu cầu của người sử dụng chỉ là có một kết nối với Internet với tốc độ đảm bảo ở mọi lúc mọi nơi, đây mới là cảm ứng tốt nhất. Vậy đào tạo dẫn đường và nghiên cứu thói quen sử dụng của người dùng, phong phú hóa nội dung, đảm bảo chất lượng mạng lưới, đây toàn là những yếu tố cần suy nghĩ và chú ý.

Vậy khi Việt Nam triển khai 4G, nhà nước, doanh nghiệp và người dùng được lợi gì?

4G có thể cung cấp băng thông rộng dung lượng lớn hơn mà những công nghệ truyền thống không thể đáp ứng được. Đối với người sử dụng, 4G có thể giúp đỡ họ liên kết với Internet một cách chặt chẽ, làm cho cuộc sống thuận tiện hơn và phong phú hơn. Đối với những khu vực mà chưa có mạng lưới cố định, 4G có thể hỗ trợ những doanh nghiệp và người sử dụng trong khu vực này bước vào thời kỳ băng thông vô tuyến (wireless broadband).

Nói chung lợi ích của 4G so với 3G là băng thông rất rộng, tốc độ rất nhanh, nhưng việc triển khai còn tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng, vì giá thành hiện còn rất cao. Triển khai 4G xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG