Triền cỏ bạch mã

Ngựa Hữu Kiên giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: Duy Chiến
Ngựa Hữu Kiên giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: Duy Chiến
TP - Ngựa bạch “xịn” phải có lông ngực màu ánh kim, mắt màu mây, chuyển thành màu đỏ khi có ánh đèn và bị lòa vào đúng 12 giờ trưa. Nguồn gen bản địa đặc hữu này của Việt Nam đang được phát triển tại Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Từng cơn mưa bụi khỏa lấp triền đồi núi mờ ảo nơi biên ải. Những triền cỏ xanh mướt xa tít tắp Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) được coi là “vương quốc” ngựa bạch

thuần chủng.

Bên tiếng gió thổi, có tiếng ngựa hí vang trời. Ông Lương Ngọc Trung, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, cho biết: Hữu Kiên là xã vùng ba, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng sinh sống, trồng trọt và chăn thả gia súc. Với lợi thế có nhiều đồi đất rộng, cỏ mọc tự nhiên xanh tốt, nghề nuôi ngựa đã được người dân chú trọng phát triển từ lâu.

Theo ông Trung, trong tổng số 1.241 con ngựa hiện có trong toàn huyện Chi Lăng, thì Hữu Kiên chiếm phần đa, và cũng là địa phương chiếm giữ một nửa tổng số ngựa bạch trong cả nước, được giới khoa học và chính quyền địa phương quan tâm.

Đổi thay

Xã Hữu Kiên có hơn chục hộ nuôi ngựa bạch, trong đó “thủ lĩnh” là lão nông Nguyễn Văn Mong (dân tộc Tày), với gần chục con ngựa cái đã trưởng thành. Ông Mong nói: “Quê tôi có nghề nuôi ngựa từ những năm đầu thập kỷ 1960, nhưng ngày đó toàn xã chỉ có vài con, chuyên dùng vận chuyển đồ đạc và cho người già cưỡi khi đi hội xuân. Gần đây, chúng tôi có được những con ngựa bạch giống tốt, sinh sôi thành nhiều bầy đàn”. “Theo ông Mong, giá trị của ngựa bạch cao gấp gần 10 lần ngựa bình thường. Một con ngựa bạch có thể bán 60 đến 70 triệu đồng.

Triền cỏ bạch mã ảnh 1

Ngựa của gia đình bà Khoát lên núi ăn cỏ. Ảnh: Duy Chiến

Ông Mong bảo, ngựa quý phải hội tụ các yếu tố: Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa; trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa. Trên mình xuất hiện những đốm màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc.

Nhiều người dân trong xã học tập nhau gây dựng và phát triển đàn ngựa, cho giá trị kinh tế ngày càng cao. Nhất là gần đây, tư thương khắp nơi tìm đến Hữu Kiên để mua ngựa nấu cao và phục vụ dân nhậu thị thành mỗi khi đầu tháng, người ta ăn lấy may. Ngựa ngày càng có giá, nhiều hộ dân thoát nghèo, nâng cao đời sống. Bà Nông Thị Khoát (62 tuổi), ở thôn Suối Mạ, trước đây gia đình khó khăn, sau khi nuôi thành công 10 con ngựa bạch, đã có của ăn của để, cuối năm dự tính xây nhà mới.

Theo ông Nông Quang Đảm, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, ngựa bạch trở thành con vật cứu tinh của người dân địa phương. Tuy là xã vùng ba, đặc biệt khó khăn, nhưng ở Hữu Kiên đã xuất hiện nhiều ngôi nhà to, đẹp. Có người nhờ tiền bán ngựa mà sắm được máy xúc, máy ủi làm ăn lớn.

Cấp giống, nấu cao, lấy thịt

Loài ngựa bạch có sức đề kháng cao, có thể sống ở những nơi thời tiết khắc nghiệt. Các năm qua, Lạng Sơn liên tiếp hứng chịu các trận rét đậm, rét hại, song tổng đàn ngựa ở huyện Chi Lăng không suy giảm. Tuy thế, việc duy trì giống ngựa bạch lại không hề đơn giản.

Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: Mặc dù trình độ người dân địa phương còn hạn chế, nhưng qua thực tiễn chăn nuôi, người Tày, người Nùng nơi đây đã thuộc tính cách của ngựa, tạo ra những bí quyết lai tạo ngựa bạch từ ngựa bình thường.

Người Tày, người Nùng nơi đây đã thuộc tính cách của ngựa, tạo ra những bí quyết lai tạo ngựa bạch từ ngựa bình thường.

Ngựa bạch có tập tính sinh sản rất riêng, những con cùng huyết thống không bao giờ giao phối. Trong khi đó, với ngựa bạch đực, trong xã chỉ có vài con trưởng thành, còn con cái có đến hàng trăm, dẫn đến “mất cân bằng giới tính”.

Người nuôi ngựa ở Hữu Kiên đã mày mò và tìm được những bí quyết riêng. Họ chọn những con ngựa thường có bộ lông ở ngực màu ánh kim, ban đêm chiếu đèn mắt chuyển màu đỏ (được coi là nguồn gen tương đối tốt, cho lai với ngựa bạch cái, kết quả sẽ cho ra những chú ngựa con màu tuyết trắng).

Ông Lương Ngọc Trung, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến mô hình chăn nuôi đại gia súc ở Hữu Kiên. Từ năm 2000, Sở KH-CN tỉnh Lạng Sơn phối hợp ngành chức năng trung ương phối hợp nghiên cứu, duy trì nguồn gen thuần chủng ở Hữu Kiên.

Theo đó, 15 hộ dân trong xã được đầu tư, bảo tồn 50 cá thể ngựa bạch xuất sắc nhất. Những hộ này được tập huấn phòng bệnh, được hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc men khi ngựa ốm đau. Tháng 3/2012, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục hỗ trợ “Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản tại Hữu Kiên”, với nguồn vốn 350 triệu đồng, cho 14 hộ vay. Hiện 9/9 thôn của xã đều có thú y viên.

“Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn ngựa, nhất là các thôn nuôi ít như Nà Lìa, Thằm Na; phát triển theo hướng hàng hóa đặc sản như cung cấp giống thuần chủng, nấu cao làm thuốc và lấy thịt” - ông Trung nói.

Chủ tịch xã Hữu Kiên, ông Nông Quang Đàm xúc động: “Bạch mã là loài rất có tình cảm và trung thành. Chúng rất bện hơi chủ, chỉ cần nhìn thấy từ xa, hay thoảng thấy mùi quen thuộc trong gió là hí vang, cất vó phi tới, vẫy đuôi, rũ bờm, quấn quýt bên chủ. Chính vì vậy mà chủ không bao giờ tự tay thịt ngựa, lúc bán cũng nhờ người khác đến dắt hộ”.

Chiều. Những đàn ngựa no cỏ khoan thai xuống núi mang theo ánh bạch kim về bản làng, tới những gốc đào tiên bên hông nhà sàn, hí vang…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.