Trí thức trẻ xây dựng nông thôn mới

Một phó chủ tịch xã tại Cao Bằng chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn. Ảnh: Trường Phong
Một phó chủ tịch xã tại Cao Bằng chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn. Ảnh: Trường Phong
TP - T.Ư Đoàn vừa phối hợp với Tỉnh Đoàn Cao Bằng tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới. Các trí thức trẻ đã góp sức rất lớn cho việc xây dựng nông thôn mới ở các nơi được cử về làm phó chủ tịch xã.

Sức trẻ xây dựng nông thôn mới

Trong dự án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã, Cao Bằng tiếp nhận tới 44 đội viên, trong đó, 23 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, 19 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội, 2 đội viên phụ trách lĩnh vực nông lâm nghiệp. “Hầu hết các đội viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhiều đội viên đã phát huy được kiến thức, khả năng, năng lực của bản thân chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo của bà con nhân dân vùng khó khăn, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi”, báo cáo của diễn đàn nêu rõ. Tính đến nay, đã có nhiều xã có các trí thức trẻ về làm phó chủ tịch đạt nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của các trí thức trẻ.

Phát biểu tại diễn đàn, anh Nông Nguyễn Duy, Phó Chủ tịch xã Mông Ân (huyện Bảo Lâm), chia sẻ, khi về công tác tại xã, thấy đường sá đi lại vô cùng khó khăn. “Chỉ đi chợ thôi, bà con đã mất một ngày, mua bán ở chợ mất một ngày. Đi về cũng mất một ngày nữa”, anh Duy nói. Cũng vì thế, anh Duy đặt mục tiêu phát triển giao thông là nhiệm vụ hàng đầu. Anh Duy tham mưu mở nhiều tuyến đường mới, tu sửa đường cũ, vận động bà con tham gia lao động phấn đấu xe máy phải đến được trung tâm của xóm, làng.

“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền cần đầu tư hơn nữa cho giao thông nông thôn vùng khó khăn. Mở một đường liên thôn, liên xóm ở vùng cao tốn kém hơn ở dưới xuôi nhiều. Vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới trên này, đề nghị cần tập trung, đầu tư nhiều vốn hơn cho giao thông”, anh Duy nói.

Ngoài ra, anh Duy cũng phát triển đề án nuôi bò cho bà con nhân dân. “Ở đây, điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích trồng cỏ nhiều, bà con lại có sẵn kinh nghiệm nên nuôi bò rất hiệu quả, mang lại kinh tế cao cho người dân”, anh Duy nói. Anh Duy cũng tư vấn cho bà con mua giống cây ngô mới, giúp bà con thay đổi nhận thức trồng cây hai vụ, sử dụng phân bón trong sản xuất. “Ngày trước, bà con chỉ trồng 1 vụ còn lại bỏ hoang cho cỏ mọc, hơn nữa, cũng không sử dụng phân bón. Bây giờ có giống ngô nếp mới, bà con có thể trồng vào vụ thu đông, bán ngô nướng...”, anh Duy chia sẻ. Nhờ đó, sản lượng lương thực của xã Mông Ân tăng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6 triệu lên 7 triệu đồng/người. Nhận thức của bà con về nếp sống sinh hoạt văn minh cũng tăng cao, nhiều hộ có nhà vệ sinh mới…

Hỗ trợ tối đa cho các trí thức trẻ

Chị Nguyễn Hồng Nụ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Nhật (huyện Hạ Lang), cho rằng, cần phải luôn lắng nghe ý kiến của người dân để biết người dân cần gì, muốn gì, từ đó phấn đấu thực hiện cho người dân. “Phải tăng cường giao lưu với người dân, xuống các đường đi, ngõ xóm trong làng, bản để trò chuyện với người dân, từ đó nhận được những góp ý để hoàn thiện mình”, chị Nụ nói.

Bí thư T.Ư Đoàn Đặng Quốc Toàn cho biết, trong thời gian sắp tới, T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương để hỗ trợ, động viên tạo điều kiện cho các trí thức trẻ tháo gỡ những khó khăn, phát huy hết khả năng trong công việc, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Các trí thức trẻ cần tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác, phối hợp với nhau cùng thực hiện các đề án, vận động bà con hiểu và làm theo, đồng thời giúp đỡ đoàn viên, thanh niên tại địa phương vươn lên làm giàu”, anh Toàn nói.

Anh Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), cho biết, theo kết quả đánh giá năm 2013 hầu hết các đội viên dự án tại Cao Bằng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có hơn 84% được cấp ủy, chính quyền các xã đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. “Trong 44 đội viên có 17 bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 21 hoàn thành tốt, 6 bạn hoàn thành ở mức khá, không có bạn nào không hoàn thành nhiệm vụ, 10 bạn được kết nạp đảng”, anh Hảo nói.

Cũng theo anh Hảo, để tạo điều kiện cho các đội viên dự án giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Bộ Nội vụ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về chương trình đưa các đội viên dự án sang tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của Hàn Quốc.

“Đoàn đầu tiên sẽ đi Hàn Quốc cuối tháng 5/2014, tiếp theo sẽ tổ chức các đoàn trong năm sau”, anh Hảo thông tin. Theo anh Hảo, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Nội vụ cũng như các cơ quan tại địa phương sẽ tạo điều kiện kết nạp Đảng, luân chuyển công tác cho các đội viên khi kết thúc nhiệm vụ. “Mong các bạn tiếp tục trăn trở, suy nghĩ cùng chính quyền địa phương, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo…”, anh Hảo nói.

MỚI - NÓNG
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
Lưu ý hồ thủy điện Thác Bà tình huống xả lũ khẩn cấp
TPO - Bộ Công Thương đã kiểm tra đập chính và 8 đập phụ của hồ thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái. Kiểm tra trực quan đập không có bất thường. Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Thủy điện Thác Bà cần huy động tối đa nguồn lực, thiết bị để thông tin cảnh báo, thông báo sớm nhất cho chính quyền địa phương, người dân khu vực phía hạ du trước khi tiến hành xả lũ theo quy trình và theo lệnh vận hành của cơ quan thẩm quyền, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.