Trí thức trẻ góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng

Anh Phạm Hữu Thái (Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) phát biểu góp ý tại hội nghị.
Anh Phạm Hữu Thái (Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) phát biểu góp ý tại hội nghị.
TP - Sáng 23/9, hơn 200 đại biểu là cán bộ Đoàn, Hội Sinh viên, Tổng phụ trách Đội, giáo viên, giảng viên trẻ và sinh viên TPHCM đến dự  Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Đầu tư cho giáo dục

Tại hội nghị nhiều đại biểu trí thức trẻ bày tỏ sự quan tâm đối với giáo dục và khoa học công nghệ. Nhất trí với dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, anh Phạm Mạnh Thắng (Giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM)  cho rằng: Dự thảo Văn kiện đã kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc, được dựa trên những nghiên cứu khoa học rất rõ ràng về tình hình thực tiễn trong và ngoài nước và những biến động trong thời gian tới.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, anh Thắng mong muốn, Văn kiện Đại hội cần quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường tiềm lực phát triển khoa học, công nghệ. Theo anh Thắng sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của các tổ chức cá nhân, những nhà nghiên cứu về khoa học công nghệ sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn, không chỉ tạo ra sản phẩm công nghệ của riêng Việt Nam mà được cả thế giới chấp nhận.

Là giảng viên ĐH Y dược TPHCM, đồng thời là thành viên Hội nghiên cứu khoa học trẻ thành phố, anh Phan Văn Hồ Nam (Giảng viên khoa Dược, ĐH  Y dược TPHCM) cũng bày tỏ sự quan tâm về giáo dục. Góp ý về văn kiện đại hội Đảng, anh Nam cho rằng nên có sự chọn lọc đào tạo chất lượng đối với xã hội hóa giáo dục. Theo anh Nam, việc xã hội hóa giáo dục đang diễn ra nhanh,  nhiều trường CĐ, ĐH tư đang bị thả lỏng.

Lấy dẫn chứng về ngành Y dược,  anh Nam cho rằng, nhiều trường tư tổ chức dạy mà không tổ chức thi, chỉ dựa vào điểm để xét, nếu đối với lĩnh vực Y dược phải vừa học vừa nghiên cứu và thực hành, kiểm tra mà không thi thì có làm được hay không? “Điểm đầu vào của các trường tư cũng khá thấp khoảng 14 điểm so với 27 điểm của trường công lập. Như thế có đảm bảo chất lượng đào tạo không?”- anh Nam băn khoăn.

Cũng góp ý về vấn đề giáo dục, bạn Trương Thị Thanh Trầm (Sinh viên ĐH Mở TPHCM) cũng bày tỏ, Đảng và Nhà nước cần có  những chính sách để thu hút du học sinh quay về nước, vì  thực tế cho thấy, có nhiều bạn sinh viên du  học ở nước ngoài rồi ở hẳn, không về nước. “Trước hết cần chế độ đãi ngộ hơn đối với các trí thức để họ có điều kiện cống hiến, mở rộng hội nhập trong giáo dục và nên bổ sung hướng đi mới trong giáo dục về vấn đề  hội nhập”- Thanh Trầm đề nghị.

Giới trẻ lo “thừa thầy thiếu thợ”

Tâm đắc về việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp như văn kiện đã nêu, anh Lâm Thanh Minh (Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm TPHCM) góp ý thêm: Hiện tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” diễn ra nhiều. Để giải quyết điều này, Đảng và Nhà nước cần quy hoạch lại hệ thống trường trung cấp. 

“Hầu như các trường trung cấp có  nguồn là các Sở và UBND các tỉnh, thành. Hiện, chưa có trường trung cấp mang tầm cỡ quốc gia nên chưa thu hút được người học. Nên quy hoạch để học sinh có thể tìm đến học. Vì theo tư tưởng hiện nay, nhiều người tìm đến các trường quy mô  lớn để học. Nếu  quy hoạch theo hướng này sẽ giải quyết được thừa thầy thiếu thợ”, anh Lâm Thanh Minh bày tỏ quan điểm.

Anh Đoàn Kim Thành, một tổng phụ trách Đội, cho rằng, văn kiện Đại hội Đảng cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao công tác giáo dục và bồi dưỡng thanh thiếu niên về kỹ năng trong nghề nghiệp, việc làm. Đây là vấn đề tồn tại nhiều  trăn trở, tuy nhiên vẫn chưa được nhấn mạnh trong Dự thảo Văn kiện lần này.  Theo anh Thành, Đảng và Nhà nước cần tạo nhiều hơn nữa trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng hành với các lực lượng thanh niên, thậm chí là cả đối với lực lượng thanh niên chậm tiến, thanh niên yếu thế trong xã hội, để các bạn nhìn nhận đúng hơn, qua đó càng yêu quê hương, đất nước và có những hành động đúng đắn hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nhận xét, Hội nghị đã tạo không khí sinh hoạt thẳng thắn. Các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm đến Đại hội Đảng, xem mình là người thụ hưởng, cùng xây dựng chính sách. Thời gian tới,  sẽ tiếp tục tổ chức thêm các hội nghị và tổ chức nhiều kênh thông tin để lắng nghe đoàn viên, sinh viên và xã hội.

Hội nghị lấy ý kiến trí thức, giảng viên trẻ, sinh viên vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng sẽ tiếp tục được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ở khu vực miền Trung ngày 5/10 tại Đà Nẵng; đại biểu khu vực miền Bắc và toàn quốc tại Hà Nội ngày 12/10 sắp tới.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.