Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.

Mỹ tục

Mùa khô, trên con đường nhựa nắng hầm hập, những ngôi nhà sàn của người M’nông nằm yên bình bên cánh đồng lúa đang lên xanh mơn mởn. Bên hông ngôi nhà sàn giữa buôn Đung (xã Đắk Phơi, huyện Lắk), chị H’Văl Tơr ngồi dưới cây xoài tránh nắng. Nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt rám nắng của người phụ nữ M’nông khi thấy khách lạ. Chị H’Văl chia sẻ, cuộc sống của người M’nông nơi đây gắn bó tự nhiên, tín ngưỡng tâm linh luôn được các thần núi, thần nước, thần rừng phù hộ. Buôn làng có tính cố kết cộng đồng, lễ mừng thọ là phong tục tập quán không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ.

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 1

Lễ mừng thọ là phong tục đẹp của người M’nông.

Hằng năm, khi kết thúc mùa rẫy, những gia đình có người 60 tuổi trở lên, con cái trong nhà sẽ tổ chức lễ mừng thọ. Năm 2023, chị tổ chức lễ cúng mừng thọ cho cha, cầu mong cha luôn dồi dào sức khỏe. Lễ cúng là dịp để con cháu trong gia đình cảm tạ công lao sinh thành, dạy bảo lớn khôn của cha, ông nên có ý nghĩa rất đặc biệt và quan trọng với gia đình chị.

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 2

“Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông huyện Lắk” là 1 trong 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.

Sáng sớm tinh sương, các thành viên trong gia đình chị tất bật chuẩn bị đầy đủ các lễ vật để thực hiện nghi lễ mừng thọ. Mọi người cẩn thận bày biện, 3 ché rượu cần, 1 con heo, 3 chén đựng cơm; 3 chén rượu cần, 3 ống lồ ô, 1 hồ lô đựng đầy nước...ngay ngắn. Trong không gian linh thiêng này, thầy cúng ngồi trước các lễ vật, ngồi cạnh là người được mừng thọ. Thầy cúng gọi Yàng (thần linh) gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức Lễ mừng thọ. Thầy cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Tiếp đó, người cha, người mẹ (người được tổ chức lễ mừng thọ) cầm cần uống rượu và tiếp tục cầu khấn mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất.

Một người đại diện cho con cháu, họ tộc tặng lễ vật như chăn đắp, khăn choàng, khăn quấn đầu hoặc khố, áo… cho người được mừng thọ. Tiếp đó, các thành viên trong gia đình thay phiên nhau mời người được mừng thọ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc chân tình. Họ kể lại những công lao của cha mẹ, ông bà đã săn sóc, nuôi dạy và cầu mong các đấng sinh thành sống lâu với con cháu. Trước khi kết thúc buổi lễ, ông bà, cha mẹ sẽ ngồi quây quần cùng con cháu, dặn dò, khuyên bảo mọi người trong buôn cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc và nghe kể sử thi, thổi khèn. Sau đó, người con sẽ mời họ hàng, anh em gia đình, bà con dùng bữa cơm thân mật. Ngay sau lễ cúng mừng thọ, gái trai trong buôn làng sẽ đến chúc thọ, cùng nhau múa hát, uống rượu cần.

Già Ma Thuyên cho biết, theo quan niệm của người M’nông, rượu cần là nước uống của Yàng. Thần linh sai sứ giả xuống hướng dẫn cách làm rượu cho bà con nên ngoài giá trị vật chất, rượu cần còn mang giá trị văn hóa giao tiếp tinh thần sâu sắc. Bản thân người làm rượu cần phải “sạch sẽ” thì rượu mới ngon và không có lỗi với thần linh. Với người M’nông, mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự tham gia của cộng đồng buôn làng.

Bền lâu giá trị

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 3

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Trong ngôi nhà nhỏ ở buôn Đung, xã Đắk Phơi, nghệ nhân Y Ơn Liêng miệt mài đan lát. Giữa không gian tĩnh lặng, giọng ông hoà vào tiếng xào xạc lá khô. Người M’nông ở huyện Lắk còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó có Lễ mừng thọ. Với người M’nông, lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng. Trước kia, lễ mừng thọ cho cha mẹ thường được người con gái cả tổ chức nhưng ngày nay tất cả các con đều được tổ chức lễ này cho cha mẹ mình.

Nghệ nhân Y Ơn Liêng khao khát lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống để Lễ mừng thọ trường tồn với thời gian. Huyện Lắk hiện có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào M’nông chiếm 51,2% dân số toàn huyện. Là một trong những người đang nắm giữ di sản Lễ mừng thọ, ông Y Ơn Liêng cảm thấy băn khoăn khi kho tàng văn hóa mà ông bà để lại dần mai một.

Trong thực tế, nhiều người không phải nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân Nhân dân nhưng rất tâm huyết với văn hóa truyền thống. Họ tổ chức nhiều lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ nhưng không được hỗ trợ. Hiện nay, với xu thế giao lưu hội nhập, các giá trị văn hóa nghi lễ vòng đời của người M’nông ở huyện Lắk có nguy cơ mai một. Những người am hiểu luật tục, tham gia và thực hành nghi Lễ mừng thọ truyền thống của người M’nông đa phần đã lớn tuổi. Con cháu rời buôn làng đi làm ăn xa. Để Lễ mừng thọ của người M’nông được gìn giữ và phát huy, theo ông Y Ơn Liêng, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân - những người nắm giữ linh hồn của nghi Lễ mừng thọ, đặc biệt là các nghệ nhân có điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, các cấp cần có biện pháp hữu hiệu, kịp thời sưu tầm, ghi chép lại các bài cúng, trình tự cúng của các nghi lễ để phục vụ cho công tác bảo tồn…

Trước đó, ngày 19/11/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M'nông. Hội thảo đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của hơn 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực khác nhau... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các đại học, các cơ quan Trung ương và địa phương thường trú tại Đắk Lắk.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tỉnh xác định, Lễ mừng thọ của người M’nông là một trong những di sản văn hóa cần được quan tâm, duy trì bảo tồn, khai thác hiệu quả gắn với phát triển du lịch địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông.

“Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cấp quốc gia vào tháng 8/2022, trở thành 1 trong 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.

MỚI - NÓNG