Tri ân các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Vi ệt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã gửi thư chúc mừng tới các thầy, cô giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong năm học vừa qua, các thầy, cô giáo đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chủ động đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học; gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn tuyển sinh với nhu cầu thị trường lao động, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022, đoàn Việt Nam đã giành được 2 Huy chương Bạc, đạt thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Qua đó, khẳng định trình độ, kỹ năng và vị thế của người lao động Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều hình thức tôn vinh nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu và tuyên dương học sinh sinh viên nghề nghiệp xuất sắc cả nước, qua đó khích lệ và thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, triển khai Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, năm học 2022-2023 là năm tăng tốc của toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có việc áp dụng chuyển đổi số. Do vậy, các cơ sở dạy nghề cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các hoạt động trên môi trường số, đổi mới quản lý, hoạt động dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá; phát triển mạnh quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ tin tưởng, các thầy, cô giáo tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, chủ động, sáng tạo đổi mới trong giảng dạy, giữ ngọn lửa nhiệt tình đam mê nghề nghiệp để xứng đáng với niềm tin yêu, sự trân trọng của toàn xã hội.

Tri ân các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ảnh 1
54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được tôn vinh tại Lễ Kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2022.

Theo thống kê từ Tổng Cục dạy nghề, số lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc hiện có khoảng 83 nghìn người, đang giảng dạy tại hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp hiện nay tăng nhanh về số lượng, chất lượng, từng bước đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; một bộ phận nhà giáo dạy các nghề trọng điểm trình độ quốc tế được đào tạo kỹ năng tại nước ngoài.

Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và mô hình hoạt động, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền. Ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đa dạng, phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu học nghề của thanh niên và yêu cầu của thị trường lao động. Theo danh mục đào tạo, hiện có 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề, bao phủ mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước (từ kinh tế, xã hội; công nghệ kỹ thuật, dịch vụ, y tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ...

Trong những năm gần đây, số thanh niên tham gia vào học nghề ngày càng tăng. Giai đoạn 2016 - 2020 tuyển sinh đạt 11.077 ngàn người (đạt 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015), vượt kế hoạch được giao của giai đoạn 2016-2020. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 2.472 ngàn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.605 ngàn người.

Tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp đạt 10.212 ngàn người (đạt 108% kế hoạch). Trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1.993 ngàn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.219 ngàn người. Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước năm 2020 đạt 24,6%.

Cả nước có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề (đạt 91% kế hoạch), trong đó gần 5,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án, đạt 73,5% kế hoạch. Các đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nghèo), phụ nữ nông thôn, bộ đội xuất ngũ,… đã được quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm với các hình thức và mô hình phù hợp, bằng các chính sách thiết thực và hiệu quả.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh.

Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được hơn 1,9 triệu người học nghề, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,8%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác hơn 1,5 triệu người, đạt 91,6%).

MỚI - NÓNG