Trên 800 triệu USD sẽ 'rót' vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phòng chống dịch COVID-19, mọi hoạt động đều phải điều chỉnh, kể cả với cộng đồng Start-up, đầu tư mạo hiểm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phòng chống dịch COVID-19, mọi hoạt động đều phải điều chỉnh, kể cả với cộng đồng Start-up, đầu tư mạo hiểm.
TPO - Có 33 quỹ đầu tư đã cam kết “rót” 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, từ 2021-2025.

Ngày 25/11, “Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) với chủ đề “Going Digital - Dịch chuyển số” diễn ra tại Hà Nội.

 Tại diễn đàn năm nay, có 33 quỹ đầu tư đã cam kết "rót" 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, từ 2021-2025. Một số quỹ đầu tư tiêu biểu như: VinaCapital Ventures, 500 Startups, AlphaJWC, BeeNext, CyberAgent Capital, Do Ventures, FEBE Ventures, Genesia Ventures, Monk’s Hill Ventures, Insignia Ventures…

 Trong khi đó, tại Diễn đàn này năm 2019, 18 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã cam kết giá trị đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021 đạt 425 triệu USD. Hiện số tiền đầu tư của các quỹ vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đạt trên 50% số vốn cam kết bất chấp việc cả thế giới phải đối diện với dịch COVID-19.

 Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

 Đại dịch cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đã lớn mạnh trên thế giới. Doanh nghiệp khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn.

 Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến…

 Theo Bộ trưởng Dũng, năm 2019, bộ đã đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (đặt tại Hoà Lạc, Hà Nội) trực thuộc Bộ KH&ĐT để thực hiện vai trò chủ thể trong kết nối và thu hút các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.

 Trung tâm là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các phòng lab nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế nhằm đem đến điều kiện hạ tầng tốt nhất cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ…

Trên 800 triệu USD sẽ 'rót' vào hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam ảnh 1 Các quỹ đầu tư cam kết rót cho lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 tới hơn 815 triệu USD

 Tại diễn đàn, Bộ KH&ĐT cũng giới thiệu một sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hoá các nguồn lực đưa vào đổi mới sáng tạo… “Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong cái khó ló cái khôn

 Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc đến những bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, đề cập đến 5 “từ khóa” mà cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) cần chú ý: Sẵn sàng, thiết thực, cộng đồng, thích ứng linh hoạt và tự tin.

 Theo Phó Thủ tướng, năm nay, số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư tăng gấp rưỡi với số tiền cam kết tăng gần gấp đôi. Điều đó cho thấy, lĩnh vực Start-up có những thành công, dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng “trong cái khó ló cái khôn”.

 Từ kinh nghiệm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, dù bên ngoài diễn biến rất phức tạp, bằng sự chủ động, sẵn sàng, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Cộng đồng Start-up đã thực sự sẵn sàng đón nhận thách thức và cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay chưa?

 Một ví dụ cụ thể là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân hạn chế ít tiếp xúc trực tiếp nhưng các nền tảng dịch vụ thương mại điện tử chưa vận hành suôn sẻ ngay và qua nhiều tháng điều chỉnh, thích ứng vẫn còn nhiều khó khăn.

 Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng Start-up lớn mạnh.

 Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của DN và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nhân đạo… đã ra đời.

 “Chúng ta huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn để sau này cộng đồng, trong đó có các DN Start-up tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, trong phòng chống dịch COVID-19, mọi hoạt động đều phải điều chỉnh, vấn đề cũng đặt ra đối với cộng đồng Start-up, đầu tư mạo hiểm. Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo dài hạn, sát thực tế thì từ những công ty lớn đến DN non trẻ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt, ngay lập tức mới có cơ hội phát triển.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.