Trên 1.000 người chết vì thuốc trừ cỏ mỗi năm

Bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ Paraqat cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bình Phương.
Bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ Paraqat cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bình Phương.
TP - Mỗi năm khoảng trên 1.000 người tử vong vì thuốc diệt cỏ. Tình trạng lạm dụng và sử dụng sai mục đích thuốc trừ cỏ đang báo động, gây hại đến sức khỏe, giống nòi, tổn hại đến môi trường sinh thái.

“Dính” là chết

Mới đây, một vụ ngộ độc khiến 78 người ở bản Suối Khoang, xã Tân Hợp (Mộc Châu, Sơn La) phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn và đi ngoài. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy những người này đều sử dụng chung một nguồn nước có nồng độ thuốc diệt cỏ Paraquat rất cao.

Theo xác nhận của chính quyền xã Tân Hợp, một hộ gia đình đã phun thuốc diệt cỏ ở vườn cây ăn quả gần đó. Tuy nhiên, thuốc chưa kịp ngấm thì gặp mưa nên trôi xuống mó nước, chảy vào bể chứa ở bản Suối Khoang. Các gia đình đã dùng nước này để sinh hoạt nên bị ngộ độc.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Bác sỹ  Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Paraquat là loại thuốc diệt cỏ phổ biến, nhưng rất độc, nguy hiểm. “Đến nay chúng tôi vẫn theo dõi các bệnh nhân và hiện vẫn chưa có ai tử vong”- Bác sỹ Nguyên nói.

Nói “rất may”, bởi theo Bác sỹ Nguyên thuốc trừ cỏ có nhiều loại, nhưng Paraquat độc nhất, gây tử vong nhiều nhất. Tại trung tâm, trung bình hằng năm tiếp nhận khoảng 400-500 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ, chủ yếu là ở miền Bắc. Sau khi đã điều trị từ lọc máu cho uống các loại thuốc giải độc…nhưng tỷ lệ tử vong vẫn tới 70%.

Số liệu thống kê cho thấy, trên cả nước, bình quân hằng năm có trên 1.000 trường hợp tử vong do thuốc trừ cỏ. Đây là con số kinh khủng. Như vậy, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện và có người chết vì thuốc trừ cỏ. Trong ngộ độc cấp tính, thuốc trừ cỏ là chất gây ngộ độc nhiều nhất cũng như gây tử vong cao nhất.

Người bị ngấm thuốc diệt cỏ có biểu hiện buồn nôn ban đầu, có đau họng một chút, xét nghiệm máu có khi thành phần chưa thay đổi rõ. Phổi bệnh nhân bị tổn thương, sau đó bị xơ phổi, theo đà cứ nặng dần, không thể hồi phục và sẽ tử vong trong vòng 2-3 tuần.

Còn những người bị dính ở thể trung bình, lúc đầu bệnh nhân mới biểu hiện đau họng, xét nghiệm chưa có thay đổi nhiều và trông như bình thường. Nhưng chậm nhất là 3 tháng là tử vong. Còn với thể loại nhẹ, chỉ đau rát miệng một chút, đa phần bệnh nhân sẽ cứu sống, tuy nhiên, một số người có triệu chứng về xơ phổi.

Nên dùng thuốc thảo dược, sinh học

Nói về tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ, bà Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật (BVTV) Việt Nam cho rằng lạm dụng thuốc diệt cỏ “rất nguy hiểm” và vì quá rẻ nên người dân mới lạm dụng.

Theo bà, nông dân muốn trừ cỏ, có thói quen muốn “phun vèo” cái là cỏ chết cho xong. Thuốc sẽ ngấm dần xuống nguồn nước mặt, nước ngầm, lưu cữu năm nay qua năm khác, thậm chí nhiều người vứt cả chai lọ thuốc trừ cỏ dùng xong xuống sông, suối.

“Họ biết là độc, nhưng họ không biết độc thế nào, đánh đổi bằng sức khỏe, môi trường ra sao…Họ chỉ phun cũng vì miếng cơm manh áo. Vì thế,  phải hướng dẫn cho họ dùng đúng cách, đúng liều, khoa học thì hiệu quả cao, ít độc hại hơn”- bà Vượng nói.

Bà Vượng cho biết, với khoảng 4.000 loại thuốc BVTV hiện nay cần rà soát cắt giảm ngay những chất diệt cỏ độ độc cao. Cùng đó, liên kết với các nước tiên tiến để hạn chế thuốc kém chất lượng, nhập các loại thuốc thảo dược, sinh học, vừa hiệu quả, an toàn hơn.

Bộ NN&PTNT đã rà soát và loại khỏi danh mục trên 1.000 tên thương phẩm thuốc BVTV độc hại. Trong đó, có 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái như: 2,4D, Paraquat, Carbendazim…

Bác sỹ Nguyên cho hay, trên thế giới đã có hơn 40 quốc gia cấm sử dụng Paraquat trong sản xuất nông nghiệp. Đa phần, những nước còn lại đều quản lý rất chặt chất này…Ở các nước phát triển, nếu một loại thuốc nào đó, một năm gây một ca tử vong có thể họ hủy luôn, thay đổi thuốc sử dụng, chứ chưa nói đến việc tử vong cả nghìn người…” Tuy nhiên, quyết định trên của Bộ NN&PTNT là một quyết định đúng về chuyên môn cũng như với người bệnh, đây là can thiệp cứu 1.000 mạng người mỗi năm”- Bác sỹ Nguyên nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, tới đây sẽ kiên quyết loại bỏ các loại thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, trong đó có thuốc trừ cỏ, đồng thời sẽ tăng bổ sung các loại thuốc sinh học, thảo dược có độ an toàn cao hơn.

Hiện thuốc diệt cỏ chiếm 58% số thuốc BVTV được nhập khẩu và sử dụng hàng năm tại Việt Nam (khoảng 58.000 tấn). Trong 3 năm gần đây, số lượng nhập về năm sau cao hơn năm trước. Đây là xu hướng không mong muốn với sản xuất nông nghiệp cũng như các nhà quản lý.

Nước ta tới 3/4 là đồi núi và bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở đó rất nhiều. Thời gian qua, các loại thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ cỏ, được đưa về những địa phương miền núi khá nhiều. Các doanh nghiệp cũng tiếp thị tận nơi. Người dân thấy cái gì tiện thì dùng.

Bộ NN&PTNT đã có lộ trình loại bỏ dần các loại thuốc trong danh mục. Theo đó, từ nay đến năm 2021 sẽ giảm khoảng 30% các loại thuốc BVTV trong danh mục hiện hành (hiện khoảng 4.000 loại thuốc).

Hiện Việt Nam có 77 hoạt chất đơn sử dụng thuốc trừ cỏ và 157 hỗn hợp hoạt chất, với tổng số tên thương phẩm thuốc trừ cỏ hiện nay trên thị trường là 713 loại. Đây là một “tập đoàn” hoạt chất rất lớn, nên việc rà soát loại bỏ mấy chục hoạt chất sẽ không ảnh hưởng gì, và có nhiều loại chất để thay thế. Sẽ loại thuốc thế hệ cũ, độc hại, đồng thời giữ lại và ưu tiên các loại thuốc trừ cỏ thế hệ mới, độ độc không cao, hiệu quả tốt.

Thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV của người dân phải kiên trì. Tuy nhiên, phải biết rằng, lâu nay, các loại thuốc BVTV và phân bón hóa học là một trong những nguyên nhân chính làm thoái hóa, cằn cỗi hơn 2 triệu ha đất canh tác, cùng với nhiều hệ lụy khác như sức khỏe, môi trường, thu nhập của người dân.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.