Trẻ sinh mổ dễ bị dị ứng?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Theo BS CKI Lã Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, trong tháng 10/2014, Khoa tiếp nhận 3 trường hợp điển hình được chẩn đoán theo dõi dị ứng.

Trường hợp thứ nhất là con chị Nguyễn Thị Ch, bị suy hô hấp ngày thứ hai sau sinh với các biểu hiện: Quấy khóc, thở co kéo, phổi khò khè, da ửng đỏ nhiều ở mặt và tay chân. Qua thăm khám, cán bộ y tế chẩn đoán nguyên nhân có thể trẻ bị viêm phổi hoặc nhiễm trùng da. Trường hợp thứ hai là con chị Phạm Thị V. L, chuyển từ phòng mổ lên Khoa sơ sinh, 

Bệnh viện  Phụ sản TP Cần Thơ. Bé xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân (xuất mặt và tay chân). Vấn đề đặt ra là bé bú bình sau sinh; điều trị kháng sinh do nghi ngờ nhiễm trùng da. Khi mẹ cho bú sữa, bé hết nổi mẩn đỏ. 

Trường hợp thứ ba là con chị S, nhập viện với biểu hiện khò khè, vàng da, nổi đỏ toàn thân. Qua thăm khám, chị S cho biết, sau sinh về nhà, trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ thiếu sữa nên uống sữa bò để có sữa cho bé bú. Sau khi mẹ ngưng uống sữa bò, bé hết nổi đỏ.

Theo các kết quả nghiên cứu, các bệnh lý về dị ứng ở trẻ càng ngày càng tăng. Một số dạng dị ứng thường gặp là: Chàm, hen, dị ứng thức ăn, viêm mũi dị ứng. Trong đó, hai loại dị ứng thường gặp nhất trong những năm tháng đầu đời là dị ứng thức ăn và chàm.

 Do vậy, nếu giảm dị ứng trong tuổi ấu thơ thì sẽ giảm hậu quả của dị ứng khi lớn lên. Theo kết quả nghiên cứu tỷ lệ chàm ở Hà Nội, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị chàm, hầu hết đều khởi phát sớm, trước 6 tháng tuổi. Tiền căn dị ứng của cha mẹ, anh chị em cùng huyết thống là yếu tố nguy cơ cao đối với trẻ.

 Ngoài yếu tố di truyền, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến dị ứng như ô nhiễm môi trường, tiếp xúc với thuốc lá; trẻ không được bú mẹ lâu, đặc biệt là các bé sinh mổ.

Dị ứng là phản ứng khi cơ thể tiếp xúc với vật lạ, kháng nguyên lạ. Đối với những trẻ mới sinh những ngày đầu, thì vật lạ, kháng nguyên lạ là sữa, thức ăn. Đối với những trẻ bú sữa mẹ thì không phải kháng nguyên lạ, chỉ những trẻ bú sữa bò, sữa công thức thì mới xem là kháng nguyên lạ. Do đó, nguyên tắc giảm dị ứng cho trẻ đầu tiên là việc dung nạp đường miệng: Chậm tiếp xúc với dị nguyên trong vài tháng đầu đời. Giai đoạn này, hầu hết dị nguyên từ công thức dinh dưỡng sữa bò. Trẻ bú công thức dinh dưỡng sẽ nhận nhiều kháng nguyên lạ gấp 106 lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn.

Để phòng bệnh, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn ít nhất 4 tháng đầu; tiếp tục bú mẹ cho đến 6 tháng; tránh hoàn toàn khói thuốc lá, trước và sau khi sinh... Sữa mẹ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa dị ứng, bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất 4 tháng cho đến 6 tháng có thể giúp giảm tần suất viêm da dị ứng ở trẻ dưới 2 tuổi; giảm khởi phát sớm những cơn khò khè ở trẻ dưới 4 tuổi; giảm tần suất dị ứng protein sữa bò trong 2 năm đầu đời.

Đối với những trẻ nguy cơ bị dị ứng  cao, bao gồm những trẻ không được bú mẹ, nên được cho uống sữa thủy phân đến 4 tháng tuổi. Sữa công thức thủy phân một phần được ưa chọn hơn là sữa công thức thủy phân tích cực (hoàn toàn). 

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ ăn dặm cho trẻ, cho ăn dặm từ 4 - 6 tháng tuổi; nên cho trẻ ăn trước một số thức ăn dặm, mỗi loại thức ăn mới nên cho trẻ ăn cách nhau 3 – 5 ngày để theo dõi kết quả phản ứng cơ thể. Nếu cha mẹ từng bị dị ứng với thức ăn thì nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG