Trẻ mê games, cụ ông 90 tuổi xung phong làm thủ thư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không có thù lao, không kể hạ cháy hay đông giá, trên chiếc xe đạp cà tàng, cụ Đào Quang Huy lặn lội khắp nơi sưu tầm sách cho thư viện xã. Sau 10 năm ròng rã, thư viện đã có đến hơn 12 nghìn cuốn sách, có cả sách cho người khiếm thị. Có sách rồi, cách cụ vận động học sinh mê games, nông dân thích “cỗ bàn” đến đọc sách…

Lão thủ thư “độc nhất vô nhị”

Chúng tôi về Thư viện cộng đồng xã Song Khê (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) gặp cụ Đào Quang Huy đúng vào Ngày Sách và Văn hóa đọc tổ chức tại tỉnh Bắc Giang. Nhìn bước đi nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, rõ ràng, mắt không đeo kính vẫn đọc sách báo, thật khó tin cụ đã 90 tuổi.

Lần ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cùng Giám đốc Thư viện tỉnh về thăm, cụ Huy đùa vui: “Anh Hồng - Giám đốc thư viện tỉnh còn thua tôi 1 – 0. Thư viện tỉnh còn không có sách chữ nổi cho người mù, thư viện của tôi thì có”. Hiện nay, Hội Người mù tỉnh Bắc Giang cung cấp sách báo chữ nổi thường xuyên cho thư viện. Hội gọi lấy sách, cụ lại xách xe lên đường.

Rót chén nước mời khách, cụ Huy bắt đầu bằng câu chuyện quê hương. Cụ kể, Song Khê bây giờ thuộc thành phố, nhưng trước đây là xã thuần nông, thuộc huyện Yên Dũng, là “đất nghèo nuôi chí lớn”. Lịch sử ghi nhận vùng đất này sản sinh ra nhiều vị Trạng nguyên, Tiến sĩ nổi tiếng như Quách Nhẫn, Đào Sư Tích hay cả nhà Nho yêu nước chống Pháp Nguyễn Khắc Nhu. Cụ cho biết, hiện vẫn còn nhiều câu ca cổ nói về truyền thống khoa bảng của vùng quê này như: “Trai thì đọc sách ngâm thơ/Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa/Gái thì giữ việc trong nhà/Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa”.

Trẻ mê games, cụ ông 90 tuổi xung phong làm thủ thư ảnh 1

Cụ Huy mở cửa thư viện đón các cháu học sinh

Vốn là nhà giáo nghỉ hưu, năm 2012, khi TP Bắc Giang có chủ trương thành lập thư viện tại các xã, cụ Huy tự nguyện đứng ra nhận trông coi quản lý. Năm đó, cụ đã 80 tuổi. “Lúc đó, nhiều thanh thiếu niên trong xã chỉ chăm chú chơi game online hay các trò chơi vô bổ mà không dành thời gian trau dồi kiến thức, tu dưỡng tâm hồn. Tôi rất buồn, nghĩ mình phải khơi dậy văn hóa đọc cho các cháu và quyết định đảm nhận công việc này. Lúc đầu, vợ con và các cháu cũng khuyên can, bảo tôi nên nghỉ ngơi vì tuổi đã cao, sức yếu. Nhưng tôi vẫn quyết tâm nhận việc”, cụ Huy nói.

Những ngày đầu mới thành lập thư viện, cụ cùng với chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp nơi để tìm mua sách báo cũ. Cụ nhớ lại: “Tôi chủ yếu đến các điểm thu mua phế liệu trên thành phố để tìm sách, chịu khó đi xa một chút nhưng trên đó nhiều. Trẻ em thành phố có điều kiện mua nhiều sách, truyện để đọc, cũ thì chúng bán cho cửa hàng phế liệu. Thấy tôi già vẫn ham việc, nhiều người bán rẻ theo cân, nhiều người cho không hàng trăm quyển.

Có những người con quê hương công tác ngoài Hà Nội, biết được làm của tôi cũng gửi về ủng hộ hàng nghìn đầu sách”. Dấu tích của những lần đạp xe tìm sách báo cũ là vết sẹo sau gần chục năm vẫn in hằn trên đầu gối cụ. Bữa đó, trời nhá nhem tối, đạp xe chở sách, truyện từ thành phố về, đến khúc cua đầu xóm, vì đường trơn, cụ ngã nhào. Cả nhà được phen lo lắng, vợ cụ thì nhất quyết không cho cụ đạp xe lên phố nữa… Vậy mà cụ vẫn tiếp tục đạp xe đi lấy sách.

Như con ong chăm chỉ, cặm cụi xây tổ, từ con số không, một thân một mình kiên trì bền bỉ, đến nay cụ Huy đã xây dựng cho quê hương Song Khê một kho tri thức đồ sộ với 12.500 đầu sách các loại như sách văn học, lịch sử, y tế, khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp. Trong đó, nhiều nhất là sách thiếu nhi… Thư viện xã trở thành một địa chỉ được các cháu học sinh và nhân dân trong xã thường tìm đến. Hiện thư viện có khoảng 2.000 độc giả thường xuyên đến thư viện mượn sách, nhiều độc giả là học sinh, bà con ở các xã lân cận.

Nhìn thư viện khang trang, sách, truyện được xếp ngăn nắp trên giá và được phân loại rõ ràng, cụ Huy không giấu nổi niềm tự hào. Cầm cuốn “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” trên tay, cụ tiếp tục câu chuyện: “Có sách rồi, nhưng làm sao có nhiều người đọc mới quan trọng. Thư viện chỉ thực sự phát huy giá trị khi đến được với người đó. Sách nằm yên trên giá cũng không khác gì giấy vụn”.

Nghĩ là làm, cụ lại đạp xe đến các nhà trường trong xã nhờ hiệu trưởng, thầy cô thông báo cho học sinh đến thư viện đọc sách, mượn sách miễn phí. Tuy nhiên, học sinh cũng không mấy mặn mà. Không nản chí, cụ tiếp tục tìm nên trường, xin vào từng lớp học để động viên các cháu đến thư viện. Một cháu đến thư viện sẽ rủ thêm bạn, dần dần, thư viện đã trở thành điểm đến quen thuộc của các cháu học sinh những lúc rảnh rỗi.

Thư viện tỉnh cũng bị dẫn trước một bàn

“Cho đi là còn mãi” là tựa đề cuốn sách của tác giả Azim Jamal và Harvay McKinnon. Đây là cuốn sách mà cụ Huy yêu thích bởi nó mang lại nguồn cảm hứng cho người đọc như cụ tình yêu thương, sự chia sẻ và lòng cảm thông. Cụ tâm sự: “Làm thư viện cũng là một cách chia sẻ với mọi người, làm đẹp cho cuộc đời”.

Và cái sự “chia sẻ” gây xúc động nhất mà cụ làm là làm tủ sách cho người khiếm thị. Ngay từ năm 2014, cụ Huy đã cất công lặn lội khắp nơi sưu tầm sách chữ nổi giúp gần 20 độc giả bị khiếm thị ở xã Song Khê, Tân Mỹ, Đồng Sơn (TP Bắc Giang) có cơ hội được đọc, được hình dung ra những điều tốt đẹp, thú vị, những vui buồn của cuộc sống.

Lịch mở cửa thư viện từ 7h30 đến 17h thứ 3,5 và Chủ nhật, phục vụ cả đọc tại chỗ và mượn về. Nhưng vào thời gian khác, có ai đến thư viện, chỉ cần gọi điện, cụ cũng sẵn sàng đón tiếp. Nhiều cụ già trong xóm sức yếu, không đến được thư viện, cụ đạp xe mang sách đến tận nơi.

Sự miệt mài, tận tụy trong công việc của cụ Huy được đền đáp. Không chỉ được các cháu học sinh, bà con yêu quý, cụ Huy còn nhận được sự ủng hộ khắp nơi. Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam 18/4/2019 diễn ra tại Hà Nội, cụ Đào Quang Huy vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tuyên dương và tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng thư viện cộng đồng và lan tỏa văn hóa đọc trong nhân dân.

Cũng từ đó, Thư viện càng nổi tiếng, càng nhận được nhiều sách tặng. Gần đây nhất, nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang (tổ chức ngày 21/4/2022), Nhà sách Tiền Phong (thuộc công ty Tiền Phong, báo Tiền Phong) cũng tặng cụ 300 đầu sách để góp vào thư viện. Quý hơn tất cả là việc thi thoảng cụ lại được đón những đứa trẻ mới ngày nào cụ cho mượn sách nay đã vào đại học, có đứa trưởng thành về thăm.

MỚI - NÓNG