> Nâng cao chất lượng cơ sở Đoàn
Trẻ hóa cán bộ Đoàn sẽ thổi làn gió tươi mới vào công tác Đoàn và phong trào thanh niên. |
Thưa anh, độ tuổi trung bình Ban Chấp hành các cấp được quy định cụ thể như thế nào?
Nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có độ tuổi ngày càng sát với độ tuổi thanh niên, trên cơ sở kết quả khảo sát và tình hình thực tiễn tại các tỉnh, thành Đoàn, BCH T.Ư Đoàn định hướng chỉ đạo độ tuổi bình quân của BCH các cấp trẻ hơn so với nhiệm kỳ trước.
Cụ thể, tuổi trung bình BCH cấp cơ sở dưới 28; cấp huyện dưới 29 tuổi; cấp tỉnh dưới 31 tuổi và cấp trung ương dự kiến bình quân dưới 34 tuổi (trẻ hơn 1 tuổi so với nhiệm kỳ trước).
Trên tinh thần đó, Đoàn các cấp đã khẩn trương và chủ động trong công tác cán bộ; tham mưu với cấp ủy điều động, luân chuyển, bố trí công tác mới cho các đồng chí có độ tuổi không phù hợp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên trẻ ứng cử bầu vào BCH.
Tuổi cán bộ Đoàn tiếp tục trẻ hoá có tác động như thế nào, thưa anh?
Đây vẫn là khâu khó, vì liên quan đến con người, đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đoàn viên, đến sự phát triển của tổ chức Đoàn. Gần 25% đơn vị Đoàn cấp cơ sở đã tiến hành ĐH, thì 100% trong số đó đều có độ tuổi BCH trẻ hơn yêu cầu. Có nơi BCH chỉ 26 tuổi, bí thư Đoàn cơ sở 25 tuổi. Đó là tín hiệu đáng mừng cho xu hướng - đồng thời cũng là yêu cầu tự thân của tổ chức Đoàn - là phải trẻ hóa cán bộ.
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An. |
Việc bầu trực tiếp bí thư tại ĐH Đoàn các cấp nhiệm kỳ này được thực hiện ra sao và có ý nghĩa như thế nào?
Trước đây, việc này khá dè dặt, chỉ được tiến hành ở Chi đoàn và Đoàn cơ sở vững mạnh trên cơ sở được sự đồng ý của cấp ủy Đảng và Đoàn cấp trên. Nhiệm kỳ này, Đoàn quyết định mở rộng với tỉ lệ từ 25 đến 30% cấp cơ sở, 15-20% cấp huyện và tỉnh. Bầu bí thư trực tiếp tại ĐH để phát huy dân chủ trong công tác cán bộ của Đoàn, để ĐVTN có điều kiện trực tiếp lựa chọn thủ lĩnh của mình.
Bầu bí thư trực tiếp tại ĐH cũng là cách để tân bí thư nhận thức sâu sắc hơn về vinh dự và trách nhiệm trước sự tín nhiệm của đoàn viên. Kết quả bầu bí thư trực tiếp tại ĐH điểm Đoàn cấp cơ sở vừa qua cho thấy việc chuẩn bị nhân sự của Đoàn và lựa chọn thủ lĩnh của đoàn viên đã gặp nhau khi tất cả nhân sự được giới thiệu đều trúng cử.
Song, sự thẳng thắn trong đánh giá về cán bộ của đoàn viên cũng thể hiện qua tỷ lệ phiếu bầu. Có đồng chí trúng cử với tỉ lệ 100%, có đồng chí chỉ 68%. Kết quả bầu cử không cao cũng là dịp để bí thư Đoàn nhìn lại mình, điều chỉnh để đạt được sự tín nhiệm nhiều hơn của ĐVTN.
Việc chuẩn bị số dư khi bầu BCH, Ban Thường vụ, các chức danh khác thực hiện ra sao, thưa anh?
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ, đoàn viên lựa chọn người tiêu biểu, xứng đáng nhất, BCH T.Ư Đoàn yêu cầu BCH đương nhiệm các cấp khi chuẩn bị danh sách bầu cử BCH, Ban Thường vụ khoá mới phải chuẩn bị có số dư so với số lượng cần bầu ít nhất 15%. Bầu chức danh phó bí thư ở các cấp nói trên nên có số dư.
Thực hiện bầu các chức danh nói trên có số dư sẽ tăng cường dân chủ trong công tác nhân sự; cán bộ, đoàn viên có thêm lựa chọn để bầu người xứng đáng giữ chức danh chủ chốt của tổ chức Đoàn. Các nhân sự được giới thiệu bầu đều phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định để khi trúng cử có thể đảm đương được nhiệm vụ.
Cám ơn anh.
Thời gian tổ chức ĐH Đoàn các cấp Cấp cơ sở: Không quá 1 ngày, hoàn thành chậm nhất trong tháng 5. Cấp huyện: Không quá 2 ngày, hoàn thành trong tháng 8. Cấp tỉnh không quá 2,5 ngày, hoàn thanh giữa tháng 10. ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X tiến hành vào tháng 12 tại Hà Nội. |
Phương Hiếu (thực hiện)