Trên mạng xã hội hiện nay, những quảng cáo dạy tiếng Anh cho trẻ từ 2 tuổi bằng phần mềm nhan nhản. Chạy theo trào lưu, các bậc cha mẹ sẵn sàng cho con làm quen với các thiết bị phần mềm khá sớm.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy như bị lạc trong “ma trận” những trang mạng dạy tiếng Anh. Có nên cho con trẻ học sớm hay không khi mà hậu quả để lại không hề nhỏ?
Xuất phát sớm...
Tôi nghĩ, giáo dục là cả một quá trình, cần phải sắp xếp các nội dung cần học theo lộ trình cụ thể, phụ thuộc vào từng lứa tuổi.
Tôi được biết ở Đức và một số nước châu Âu, trẻ không học chữ vào thời gian mầm non. Họ cho trẻ bắt đầu học muộn và cũng không học ngoại ngữ vào thời điểm này. Trẻ em Đức dành nhiều thời gian để học kỹ năng mềm thay vì học chữ, đồng thời sống tự lập nhiều thay vì phụ thuộc vào cha mẹ.
Điều đáng nói, khi bắt đầu học chữ, trẻ em Đức học tiểu học tương đối ít. Kiến thức lớp một của các em rất nhẹ nhàng và học kỹ năng vẫn là chủ đạo. Cứ như vậy, lượng kiến thức tăng dần lên theo từng lớp nên trẻ em ít bị khủng hoảng trong chuyện học.
Theo thống kê vào năm 2012 cho thấy, tại Đức, học sinh ở tuổi 15 có kết quả học tập cao hơn nhiều mức trung bình trên thế giới. Bên cạnh kiến thức tốt, học sinh ở Đức có tính tự giác và nhận thức xã hội tương đối cao.
Cũng giống như Đức, ở các nước châu Âu khác, học toán và tiếng mẹ đẻ không quá quan trọng như ở Việt Nam. Tôi đã khảo sát ba chương trình giáo dục của Anh, một số chương trình ở Hungaria, Pháp... và nhận thấy họ không quá coi trọng toán và tiếng mẹ đẻ (ở Việt Nam là môn tiếng Việt).
Bên cạnh đó, khi trẻ vào lớp một, trẻ được học cộng trừ trong phạm vi 10. Điều đáng nói, việc cộng trừ hoàn toàn được dạy dỗ bằng các thiết bị chứ không thấy ghi con số. Từ cấp tiểu học lên trung học, trẻ em học môn toán rất ít phải làm bài tập, chủ yếu là lý thuyết. Vì thế, việc học toán ở nhiều nước không quá nặng nề. Còn ở nước ta, học toán là phải làm bài tập trong sách giáo khoa và rất nhiều bài tập nâng cao. Nếu trẻ không đáp ứng được thì phải đi học thêm. Tập viết ở các nước cũng không được coi trọng lắm. Mỗi một tuần các bé chỉ tập viết khoảng hai dòng.
Các nhà nghiên cứu giáo dục châu Âu cho rằng, việc viết chữ đẹp hay làm toán nhanh cũng không tạo nên con người hoàn chỉnh mà chỉ hoàn chỉnh một kỹ năng. Vì thế, trẻ em một số nước châu Âu không dành quá nhiều thời gian cho luyện chữ hay tập làm toán mà dành thời gian nghiên cứu, ví dụ như vì sao có mưa? Các em còn biết mô tả mưa giống như nước ở trong nồi. Các em biết Trái đất là hành tinh thứ mấy trong hệ mặt trời, biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mặt trời ở xa hay ở gần Trái đất hơn... Đó là những kiến thức mà trẻ lớp một ở châu Âu được học ở trường.
Tất nhiên, học ở châu Âu cũng sẽ rất vất vả nếu bạn trẻ muốn học lên đại học và cao học. Điều đáng nói, không ít trường trung cấp ở châu Âu xin việc còn dễ hơn các trường đại học nhiều. Ví dụ, việc làm thủ quỹ không tuyển người tốt nghiệp đại học kinh tế mà chỉ tuyển người tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng kinh tế.
Ngược lại, ở Việt Nam, dường như cha mẹ luôn sốt ruột mong muốn con mình giỏi giang, đứng đầu lớp. Thường các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy không yên tâm khi con không đi học sớm, không đi học thêm, sợ con không theo kịp bạn bè. Vì thế, trẻ bị ép học từ rất sớm, với lượng kiến thức nhiều ngang nhau từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành.
Ngay từ nhỏ, trẻ em nước ta đã làm quen với áp lực, áp lực làm bài tập, áp lực học thêm, áp lực thi cử, áp lực vào trường chuyên, lớp chọn. Lên các cấp học cao hơn, chương trình học của trẻ mở rộng, lượng kiến thức nhiều hơn. Cứ như vậy, trẻ em nước ta luôn phải sống trong áp lực học tập là điều dễ hiểu.
... nhưng về đích muộn!
Theo nghiên cứu của chúng tôi, trẻ em Việt khi tốt nghiệp phổ thông yếu kỹ năng hơn học sinh thế giới rất nhiều. Kiến thức lỏng lẻo, kỹ năng ít do không được học và được cha mẹ làm thay, trẻ trở nên ngây ngô ngay khi đã trưởng thành. Một bộ phận học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của Việt Nam hiện nay có kỹ năng sống và kỹ năng làm việc vô cùng kém.
Thực tế, vẫn tồn tại hiện tượng các em ra trường đi làm rồi mà còn không biết tự chăm sóc bản thân, nấu ăn, hoặc làm những công việc nhà đơn giản. Các kỹ năng làm việc của các em cũng rất kém. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp của bạn trẻ Việt Nam rất cao trong khi thị trường lại đang rất thiếu lao động.
Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam, giáo dục bị thiên lệch cũng một phần là do các con đường đều đổ về đại học. Phổ cập đại học gần như là một vấn nạn. Nếu các bậc cha mẹ nhận ra rằng, con tốt nghiệp cấp ba xong, đi học nghề rồi đi làm cũng có thể rất khá giả và thành đạt thì chắc áp lực học hành của trẻ sẽ được giảm đi một nửa.
Đơn cử, tôi thấy nghề thợ điện, nước mà tay nghề khá sẽ không thiếu việc làm. Nghề làm tóc, nghề trang điểm cũng hái ra tiền. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ sẽ không thích vì những nghề này không "oai", không sang. Chính quan điểm đề cao tấm bằng đại học bao trùm xã hội nên việc hơn 200.000 bạn trẻ thất nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Đồng thời, cũng chính vì những quan niệm chưa đúng đắn, giáo dục ở Việt Nam hiện nay đúng cảnh “khởi đầu rất sớm” nhưng "về muộn". Nghĩa là, có khi trẻ phải học khi mới hai tuổi nhưng nhiều bạn trẻ 18, 20 tuổi vẫn chưa trưởng thành.
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta nên dừng ngay việc dạy con học chữ từ hai tuổi. Thay vì ép con đi học thêm, cha mẹ hãy quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo kỹ năng cho trẻ và ngừng can thiệp vào lựa chọn nghề nghiệp của trẻ. Chỉ có thực hiện nghiêm túc, phụ huynh mới thực sự là trợ giúp đắc lực cho sự trưởng thành của con.