Trẻ chết đuối ngay trong nhà

Bác sĩ Phương đang cảnh báo về các trường hợp đuối nước ở trẻ trong dịp hè. Ảnh: Quốc Ngọc
Bác sĩ Phương đang cảnh báo về các trường hợp đuối nước ở trẻ trong dịp hè. Ảnh: Quốc Ngọc
TPO - Chỉ trong vòng một tuần lễ đầu hè vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận 2 ca trẻ bị ngạt nước trong tình trạng nặng và sau đó đã tử vong. Trong đó, một trẻ chết ngay trong xô nước phía sau nhà.

Chiều 6/6, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Phó khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng trẻ bị tai nạn chết đuối, đặc biệt xảy ra thường xuyên trong dịp hè. Hai trường hợp tử vong mới nhất không phải xảy ra ở khu vui chơi, du lịch, biển, sông suối, hồ bơi… mà ở khu vực gần nhà hoặc ngay trong nhà.

Người nhà bé trai P.T.T. (2 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho biết, đột nhiên không trông thấy bé nữa thì bủa đi tìm. Cuối cùng người ta phát hiện em bé nổi lên tại ao nuôi tôm gần nhà. Khi được đưa lên bờ thì trẻ đã tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Gia đình cho biết bé được xốc nước rồi đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện quận.

Theo bác sĩ Phương, em bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng vẫn ngưng tim, ngưng thở, mê sâu, trụy mạch. Bác sĩ đã tiến hành hồi sức tim phổi tích cực, tim bé T. có đập lại nhưng đã giãn đồng tử, tức bệnh nhi đã thiếu oxy não rất lâu. Vài giờ sau khi nhập cấp cứu thì em bé tử vong.

Trường hợp tử vong thứ hai trong tuần qua là bé gái 13 tháng tuổi (ngụ Đồng Nai). Khi người nhà phát hiện thì đã thấy em bé cắm thẳng đầu vào xô nước phía sau nhà tự bao giờ. Dù mực nước chỉ khoảng 20cm, nhưng do đã ngạt quá lâu, nên bé gái cũng đã tím tái, ngưng tim phổi. 

Em bé được chuyển từ bệnh viện huyện lên Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê sâu, trụy mạch, xuất hiện những cơn gồng, phù não. Tuy cũng được hồi sức tích cực nhưng bé gái cũng không thể qua khỏi sau 2 ngày nhập viện.

Bác sĩ Phương cảnh báo, mỗi năm khoa cấp cứu của ông tiếp nhận 20-30 ca trẻ bị tai nạn đuối nước với tỷ lệ tử vong khoảng 10%. Tuy nhiên, con số này không phản ánh hết các trường hợp trong cộng đồng bởi đa số các ca nhập viện tại đây đều là những ca nặng. Do đó, con số trẻ bị tai nạn đuối nước trong cộng đồng chắc chắn cao hơn rất nhiều so với con số mà bệnh viện tiếp nhận.

“Từ đầu năm 2016 đến nay đã có 13 ca đuối nước nhập viện. Và chúng tôi tiếp nhận các trường hợp trẻ đuối nước thường xuyên hơn trong dịp hè. Các bậc phụ huynh phải quản lý con cái chặt chẽ hơn. Nếu trong nhà có trẻ nhỏ, không nên để các vật dụng chứa nước xô, chậu, lu trong nhà hoặc không cho trẻ đến gần ao hồ”, bác sĩ Phương nói.

Chỉ cần 4-5 phút chìm trong nước thì tình trạng trẻ sẽ bị tổn thương não nặng do thiếu oxy não, nếu sống thì cũng để lại các di chứng rất nặng. Do đó, điều quan trọng khi có trẻ bị đuối nước là tìm mọi cách đưa trẻ lên khỏi mặt nước càng sớm càng tốt và tiến hành sơ cứu, đồng thời gọi cấp cứu ngoại viện 115.

Trong sơ cứu, điều quan trọng nhất là phục hồi tim phổi bằng cách ấn ngực và hà hơi thổi ngạt. Khi ấn ngực nên đồng thời sờ các động mạch cảnh, nách, bẹn. 

Nếu thấy mạch nẩy lên có nghĩa đã tác động vào tim đúng cách. Khi hà hơi thổi ngạt, cần bịt mũi nạn nhân, thổi mạnh vào miệng đồng thời liếc mắt nhìn lồng ngực có phồng lên hay không? Nếu phồng lên tức thổi ngạt hiệu quả.

Theo bác sĩ Phương, tuyệt đối không sơ cứu bằng các phương pháp dân gian như xốc nước (chổng ngược nạn nhân lên trời) hoặc lăn lu, đốt lá dừa… Bởi quan trọng nhất với người đuối nước là vấn đề phục hồi hệ hô hấp và tuần hoàn chứ không phải là lấy nước trong bụng ra.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.