Startup Kite 2022 được tổ chức với mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, là sân chơi bổ ích, kích thích khả năng sáng tạo, năng động, truyền cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN. Sau cuộc thi, những ý tưởng xuất sắc, có tính khả thi cao sẽ được Ban tổ chức kết nối với các doanh nhân và hướng dẫn hoàn thiện dự án, triển khai trên thực tế.
Chương trình năm nay đã nhận được 1.512 ý tưởng, dự án của các em học sinh, sinh viên GDNN gửi tham dự, các ý tưởng trải qua 3 vòng thi, tới vòng chung kết còn 80 ý tưởng xuất sắc nhất. Ở vòng chung kết, các ý tưởng trải qua 2 chặng, chặng đầu sẽ do Ban Giám khảo chọn ra 6 ý tưởng xuất sắc nhất để vào chặng 2. Tại chặng 2, tác giả các ý tưởng sẽ thực hiện gọi vốn bằng cách thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư.
Tại Lễ Bế mạc, Ban tổ chức đã trao 37 giải. Trong đó, Giải Nhất được trao cho Dự án Máy đo huyết áp – GAC (nhóm sinh viên Trường CĐ Công thương TPHCM); Giải Nhì trao cho Dự án Smartsite: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông (nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM) và Dự án Ứng dụng định vị sơ đồ vị trí, có hiện thị bản đồ tương tác (nhóm sinh viên Trường CĐ Viễn Đông);
Các Giải Ba được trao cho Dự án Thiết bị cảnh báo an toàn cho người đi xe hai bánh (nhóm sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TPHCM), Dự án Mô hình Tiếng Việt hoá toàn cầu phức hợp Đông Tây "East-West Complex" (nhóm sinh viên Trường CĐ Thương mại), và Dự án Ứng dụng tìm kiếm và chia sẻ nhà vệ sinh WC Go (nhóm sinh viên Trường CĐ FPT Polytechnic).
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 30 giải khuyến khích cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên GDNN khác, và 1 giải cho ý tưởng được yêu thích nhất.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng lãnh đạo Tổng cục GDNN trao giải Nhất cho Dự án Máy đo huyết áp – GAC, của nhóm sinh viên Trường CĐ Công thương TPHCM. |
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, cuộc thi Startup Kite 2022 được thực hiện theo Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ. Chương trình nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, chủ động tìm và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên GDNN ngay từ ghế nhà trường. Qua cuộc thi cũng thúc đẩy các cơ sở GDNN đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo môi trường thuận lợi để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong học sinh, sinh viên. Đây cũng là một trong các giải pháp để kêu gọi, thúc đẩy doanh nghiệp gắn kết hơn nữa với các cơ sở GDNN, không chỉ trong đào tạo, tuyển dụng, còn ươm mầm tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ngay trong nhà trường.
Việc tổ chức Cuộc thi Startup Kite 2022 là sân chơi cho các học sinh, sinh viên GDNN sáng tạo khởi nghiệp và thành công. Qua đó làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn học nghề để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước.
Theo ông Dũng, qua 3 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút được 4.330 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Riêng năm 2022 đã thu hút được 1.512 dự án tham dự thi.
“Các dự án tham dự của các bạn học sinh, sinh viên GDNN đã thể hiện được tính đổi mới, tính sáng tạo, chuyên nghiệp. Nhiều dự án được thương mại hóa từ các kết quả nghiên cứu khoa học học sinh, sinh viên, do đó cơ bản các bài dự thi đạt chất lượng tốt”, ông Dũng nói, và mong các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tiếp tục hỗ trợ các dự án thành hiện thực.
Ngay tại Lễ trao giải, Bộ LĐ-TB&XH cũng chính thức phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2023.
Giải thưởng từ cuộc thi Startup Kite, sẽ là tiền đề để trang bị kiến thức giúp học sinh, sinh viên GDNN chủ động, sáng tạo trong khởi nghiệp; tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khả thi để mang lại lợi ích cho xã hội.