Transerco: Nỗ lực vì một môi trường xanh

Transerco: Nỗ lực vì một môi trường xanh
Tích cực đầu tư xe thân thiện môi trường, trang thiết bị, máy móc kiểm tra môi trường..., Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco đã và đang nỗ lực xây dựng một hệ thống xe buýt văn minh, hiện đại, vì một môi trường xanh.

Khẳng định Transerco luôn dành sự quan tâm lớn tới việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới bảo vệ môi trường trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường cho biết những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2012, Tổng công ty đã tập trung đầu tư thay mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng đoàn phương tiện (trung bình mỗi năm thay từ 100 - 150 xe).

Thống kê cho thấy, hiện số lượng phương tiện buýt nội đô đạt tiêu chuẩn khí thải từ EURO II trở lên là 310 xe, chiếm 34%. Trong số này, xe đạt tiêu chuẩn khí thải từ EURO III là 94 xe, chiếm 10% tổng đoàn xe của Transerco. Cần phải nhấn mạnh rằng, nỗ lực thay mới đoàn phương tiện của Transerco được thực hiện trong bối cảnh vô cùng khó khăn, giá mua xe buýt tiêu chuẩn từ 2009 đã tăng cao (trên 2 tỷ đồng/xe) nhưng đơn giá khấu hao phương tiện vẫn chỉ áp giá tại thời điểm năm 2002 (800 triệu đồng/xe).

Cùng với tập trung thay mới đoàn phương tiện, Transerco cũng đã và đang nghiên cứu thử nghiệm nhiều công nghệ mới bảo vệ môi trường như thử nghiệm dung dịch phụ gia BorPower Nano cho động cơ (trộn dung dịch vào dầu bôi trơn giúp giảm thiểu phát thải CO2, tăng công suất động cơ, giảm tiếng ồn) hay thiết bị Kari (Ion hóa nhiêu liệu trước khi vào buồng đốt nhằm giảm đáng kể thành phần gây hại trong khí thải...). Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã tiến hành ứng dụng vật liệu Nano phủ kính xe để chống bám bụi...

Tại khu vực nhà xưởng, Depot xe buýt, Transerco đã nghiên cứu và triển khai hệ thống xử lý chất thải công nghiệp trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa phương tiện; Xây dựng các Depot tiêu chuẩn có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp đạt tiêu chuẩn môi trường; Đầu tư trang thiết bị kiểm tra khí xả xe buýt (máy đo nồng độ khí xả) và mời cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam về đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho toàn bộ đơn vị kinh doanh buýt...

Cần “đòn bẩy” cơ chế

Để có thể làm tốt hơn nữa công tác xây dựng hệ thống VTHKCC bằng xe buýt văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, ông Thường cho rằng rất cần một cơ chế chính sách, tạo hành lang, động lực cho doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng công nghệ mới.

Cụ thể, ông Thường đề xuất cần có cơ chế cho doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ. “Chỉ có đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ mới thì doanh nghiệp mới có thể nâng năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững.

Về quy hoạch giao thông đô thị ở các thành phố lớn, ông Thường nêu quan điểm phải coi giao thông đô thị là chủ thể của quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch sử dụng đất; Lấy VTHKCC khối lớn làm xương sống cho quy hoạch hạ tầng giao thông; Khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng và kiểm soát tốt việc sử dụng phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô con. “Làm được điều này, ô nhiễm môi trường sẽ được giảm thiểu, ùn tắc giao thông cũng sẽ được kiềm chế” - ông Thường nhấn mạnh.

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG