Chấn thương vùng đầu, cột sống cổ và tứ chi thêm cho người bệnh hoặc làm nặng thêm các tổn thương sẵn có.
Điển hình, BV ĐH Y Dược (ĐHYD) TP.HCM cho biết nơi đây vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh Mai Thị T. (65 tuổi, ngụ TP.HCM), người nhà phát hiện chị T. mê man lúc gọi thức dậy buổi sáng nên lập tức đưa đến BV ĐHYD.
Khi đến BV, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị liệt tứ chi, chụp CT thấy xuất huyết não một bên không quá lớn nên chưa giải thích được tình trạng liệt tứ chi của người bệnh. Sau đó, người bệnh được chỉ định chụp MRI cột sống cổ và phát hiện có tổn thương tủy cổ kèm theo.
Khai thác lại quá trình di chuyển người bệnh đến BV, được biết người bệnh được bế, để đầu cổ tự do theo nhịp chạy của người bế. Nhiều khả năng trong lúc di chuyển làm người bệnh cúi hoặc ngửa cổ quá mức khiến người bệnh tổn thương tủy cổ thêm, gây ra tình trạng liệt tứ chi.
Theo BS CKI Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại thần kinh BV DHYD TP.HCM: “Việc di chuyển người bệnh đột quỵ không đúng cách có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Điểm cần lưu ý là các người bệnh đột quỵ có thể có chấn thương kèm theo do đột ngột té ngã nhưng không được người thân nhận ra các chấn thương để sơ cứu trước.
Bên cạnh đó, nếu di chuyển không đúng cách thì người bệnh có thể nặng hơn dù không chảy máu thêm, do các chấn thương sẵn có hoặc các chấn thương mới mà việc di chuyển có thể gây ra. Khi có các tổn thương kèm theo thì việc xử trí đột quỵ hoặc chấn thương trên người bệnh sẽ phức tạp và nguy cơ cao hơn nhiều, vì xử lý tình trạng này có thể làm nặng hơn tình trạng kia và ngược lại”.
Di chuyển người đột quỵ không đúng cách có thể dẫn đến tổn thương đầu, cổ và tứ chi. Ảnh: HP
BS Tuấn cho biết về cơ bản, việc vận chuyển người bệnh đột quỵ có các nguyên tắc như sau: Một là đảm bảo đường thở và tim đập. Hai là cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi và ba là nhanh nhất có thể.
Chính vì vậy, nếu muốn di chuyển người bệnh đúng cách, người thân cần biết đánh giá mạch, nhịp thở, đảm bảo đường thở và tim đập theo các nguyên tắc của hồi sức tim phổi chung; biết cách cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi của người bệnh khi di chuyển.
Nếu không có cáng chuyên dụng thì tốt nhất là để người trên mặt phẳng cứng, nằm ngửa, tay chân xuôi theo mình, dùng giày nặng hoặc chăn cố định hai bên đầu tránh chấn thương cột sống cổ lúc di chuyển.
Dựa vào đó, các nước đều khuyến cáo người bệnh nên gọi trực tiếp xe cấp cứu và nhanh chóng đưa người bệnh đến BV.
Vận chuyển bằng xe cấp cứu có nhiều yếu tố thuận lợi như: Xe cấp cứu luôn chạy nhanh hơn xe cá nhân và được nhường đường ưu tiên; nhân viên y tế chuyên về sơ cấp cứu thường đánh giá tình trạng người bệnh chính xác hơn bản thân người bệnh và thân nhân; hệ thống xe cứu thương có sẵn các thông tin về chuyên môn của các BV, có thể quyết định chuyển thẳng người bệnh đến các BV chuyên sâu hơn khi tình trạng người bệnh đòi hỏi, tránh được tốn thêm thời gian khi phải chuyển qua trung gian nhiều BV và xử trí ban đầu như hồi sức tim phổi, duy trì sinh hiệu… trên đường vận chuyển luôn tốt hơn.
Hướng dẫn cách sơ cấp cứu ban đầu dành cho người đột quỵ:
- Hồi sức tim phổi: Luôn cần thiết nếu người bệnh bị ngưng thở hoặc ngưng tim.
- Tư thế người bệnh: Để người bệnh nằm ở tư thế thoải mái nhất nếu họ tỉnh hoặc nằm nghiêng về phía nửa người bị ảnh hưởng (yếu liệt) nếu họ không tỉnh táo hẳn. Lý do nằm nghiêng là để ngừa hít sặc do nôn ói, lý do nghiêng về phía bên liệt là để phía không liệt còn có thể cử động ra hiệu được khi cần.
- Cố định các phần cơ thể khi di chuyển, quan trọng nhất là đầu cổ và tứ chi. Về nguyên tắc nếu tình trạng người bệnh không thể loại trừ có chấn thương kèm theo thì xem như là có cho tới khi có bằng chứng ngược lại.