Tranh thủ

Tranh thủ
TP - Hẳn nhiều người từng nghe những câu đại loại: “Tôi tranh thủ nghỉ phép thăm gia đình”, “Mời bác ngồi chơi, em tranh thủ ăn bữa cơm”.

Những việc quan trọng trong cuộc sống như thế tại sao lại “tranh thủ”, có vẻ như chỉ làm qua loa cho xong nhỉ? Thực ra những việc ấy không ai làm qua loa cả, ai cũng đều có chuẩn bị và làm đến nơi đến chốn, nói thế là do quen miệng mà thôi.

Cái sự quen miệng ấy dường như lại có nguyên nhân sâu xa trong tư duy của người Việt là hay tranh thủ. Ngoài đường tranh thủ đi ngang đi tắt bất chấp luật giao thông. Vào cơ quan nhà nước giờ hành chính, công chức, viên chức lớn bé tranh thủ làm việc riêng.

Từ đan thêu may vá, đọc truyện, viết thư, “chát” trên internet đến nói chuyện riêng qua điện thoại. Một số có quyền chi tiêu công quỹ thì tranh thủ kiếm chác từ việc kê khống tiền mua văn phòng phẩm, vật tư, máy móc đến thuốc cho người bệnh, sách vở cho học sinh và hoa hồng các dự án.

Thậm chí thuê nhà mở văn phòng hay chi nhánh để phát triển mà nhiều vị có quyền cũng không quên móc ngoặc với người có nhà cho thuê để “ăn một khúc”. Có bà chánh thanh tra một thành phố đầy quyền hành vẫn không quên kê khống tiền công tác phí khiến cấp dưới phản đối rầm rầm, để tiếng xấu không kể xiết.

Thói quen tranh thủ kiếm chác trong công chức, viên chức, nguy hại không chỉ ở chỗ tự hạ thấp bản thân, hạ thấp uy tín cơ quan nhà nước mà còn dẫn tới kết cục tồi tệ cho xã hội: Nhiều người nhiều năm đảm đương trọng trách nhưng đơn vị ấy, địa phương ấy, ngành ấy không có được thành quả gì lớn lao cho xã hội. Bởi tranh thủ lặt vặt đã choán hết thời gian.

Một nhiệm kỳ công chức phút chốc vèo qua. Nhiều nhiệm kỳ như thế nối tiếp nhau, người hết nhiệm kỳ trước bàn giao “đặt niềm tin” vào nhiệm kỳ sau, kết cục hàng chục năm không có nổi một thành tựu lưu danh.

Cuộc đời không ít người cũng trôi qua tương tự. Lo tranh thủ kiếm chác lợi lộc trước mắt, tranh thủ cả những thứ phù phiếm, vẩn vơ, bỏ quên ước mơ đẹp đẽ của tuổi trẻ để tuổi già ập đến. Lại đặt hy vọng vào con cháu.

Nhiều thế hệ như vậy nối tiếp nhau đã góp phần làm cho đất nước đạt được sự thụt lùi không mong đợi là ngày càng tụt hậu so với các nước khác. Nên thói quen tranh thủ, tư duy tranh thủ biết đâu lại là một cản trở chính (bên trong) của sự phát triển cá nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt ở giới công chức.

MỚI - NÓNG