Đó là đánh giá của PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo khoa học “70 năm Hiệp định Geneve về đỉnh chỉ chiến sự ở Việt Nam”, diễn ra ngày 19/7 tại Hà Nội.
PGS.TS Dương Văn Quảng trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 19/7. (Ảnh: Như Ý) |
Ông đánh giá như thế nào về sự can thiệp của các nước lớn vào kết quả của Hội nghị Geneve?
PGS.TS Dương Văn Quảng: Thực ra Hội nghị Geneve là hội nghị về vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Phần đầu tiên thảo luận về Triều Tiên nhưng không có kết quả. Đặc biệt, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 khiến các nước chuyển sang thảo luận vấn đề Đông Dương. Đoàn của chúng ta tham dự với tư thế của người chiến thắng.
Các nước lớn triệu tập, mời các bên tham gia Hội nghị và dàn xếp kịch bản giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta vẫn đạt được hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, đặc biệt là tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm về vấn đề Đông Dương, trong đó công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Họ thừa nhận vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới quân sự chứ không phải ranh giới địa lý hay chính trị, sau 2 năm sẽ có tổng tuyển cử và thống nhất đất nước. Đó là dấu mốc lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam. Theo tôi, đó là kịch bản tốt nhất mà chúng ta đã giành được tại Hội nghị Geneve.
Ông nghĩ sao nếu khi đó chúng ta không chấp nhận kết quả mà tiếp tục đánh?
Nếu vậy, chúng ta có thể rơi vào ý đồ của các nước lớn. Khi đó, các nước lớn mâu thuẫn nhau và chúng ta tận dụng được, nên mới đạt được kết quả như vậy. Nếu ta không chấp nhận, chắc chắn chiến tranh Đông Dương sẽ bị quốc tế hóa. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta có thể tiếp tục cuộc chiến không? Theo tôi là khó. Vì thế, tôi tin rằng đó là kịch bản cao nhất mà chúng ta giành được ở Geneve và là mốc son lịch sử của ngoại giao Việt Nam.
Với sự dàn xếp của các nước lớn, Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Vậy những điều gì giúp ta đạt được kết quả như vậy?
Đó là lần đầu tiên chúng ta tham dự một hội nghị quốc tế, dù không đông nhưng tập hợp 4 nước lớn nhất: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, thêm cả Trung Quốc. Đó là lần đầu tiên từ chiến khu chúng ta bước ta “biển” lớn. Cách đây 70 năm, khi chúng ta còn chưa hiểu nhiều về thế giới, chưa hiểu nhiều về xu thế của tình hình quốc tế, cũng không hiểu rõ ý đồ, tính toán và mâu thuẫn của các nước lớn. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta vẫn giành được thắng lợi. Nghệ thuật của chúng ta là kiên trì về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, tận dụng mâu thuẫn của các nước lớn nhưng không để họ phá vỡ hội nghị và không để họ gạt mình ra. Giai đoạn cuối chúng ta đã đàm phán trực tiếp với Pháp về những vấn đề cơ bản, đó là vấn đề vĩ tuyến và tổng tuyển cử. Đương nhiên những nước lớn không muốn như vậy nhưng chúng ta đã tạo ra thế buộc họ phải đàm phán với chúng ta và buộc phải đi đến kết quả của hội nghị như chúng ta đã biết. Những người tham dự đoàn đều là tinh hoa của ngoại giao Việt Nam.
Theo ông, chúng ta có thể học gì từ Hội nghị Geneve?
Có thể học rất nhiều điều. Đó là tư duy độc lập tự chủ trong ngoại giao. Đó cũng là bài học về nghiên cứu và dự báo, vì không nắm được tình hình thế giới trước khi bước vào đàm phán sẽ khiến chúng ta gặp nhiều bất lợi. Điều quan trọng nữa là phải biết rõ chúng ta muốn gì ở hội nghị quốc tế như vậy. Chúng ta cũng phải hiểu thế giới để đi theo dòng chảy chung chứ không thể đi ngược. Kể cả những nước lớn cũng phải đi theo dòng chảy, huống hồ một nước tầm trung như Việt Nam. Đi theo dòng chảy mà không bị va đập vào đá, đi theo dòng chảy mà vẫn đạt được lợi ích của chúng ta trong đó.
Cảm ơn ông!