Tránh người đi ngược chiều, người đàn ông bị tai nạn vỡ gan

TPO - Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện choáng do mất máu cấp mức độ nặng, ước tính mất khoảng 3 lít máu. Tai nạn xảy ra khi bệnh nhân bị té xe máy do tránh người đi ngược chiều.

Ngày 4/1, thông tin từ BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết BV này đã  tiếp nhận và điều trị cấp cứu thành công bệnh nhân vỡ gan độ III trong bệnh cảnh đa chấn thương.

Theo đó, Bệnh nhân P.V.S (60 tuổi) bị té xe máy do tránh người đi ngược chiều, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện gần nhà với chẩn đoán là gãy xương sườn, dập phổi và vỡ gan. Bệnh nhân được dẫn lưu màng phổi và chuyển đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để điều trị tiếp tình trạng vỡ gan.

Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện choáng do mất máu cấp tính mức độ nặng, ước tính mất khoảng 3 lít máu. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, đồng thời cho chụp CT bụng khẩn cấp để xác định chẩn đoán. Kết quả CT bụng cho thấy gan phải rách nhiều đường, chảy máu trong ổ bụng lượng nhiều, gan vỡ độ III.

Tránh người đi ngược chiều, người đàn ông bị tai nạn vỡ gan ảnh 1 Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định

Tại vùng ngực, bệnh nhân có gãy xương đòn phải, gãy mảng sườn gồm 6 xương sườn bện phải. Bệnh nhân được tiến hành hội chẩn khẩn cấp với sự tham gia các chuyên khoa liên quan và quyết định điều trị can thiệp nội mạch nút động mạch gan cấp cứu.

Dưới hướng dẫn của máy kỹ thuật số xóa nền (máy DSA), bác sĩ luồn 1 ống  thông nhỏ, đường kính khoảng 2 mm, từ động mạch đùi ở vùng bẹn phải vào động mạch chủ. Từ đây, ống thông được luồn vào động mạch gan. Bác sĩ tiến hành bơm thuốc cản quang chụp hình hệ thống mạch máu trong gan. Sau khi xác định được vị trí chảy máu trong gan, Bác sĩ tiếp tục luồn một ống thông siêu nhỏ đường kính khoảng 1 mm vào các nhánh động mạch tổn thương, bơm keo bịt chỗ vỡ, giúp cầm máu. Thủ thuật nút động mạch gan giúp cầm máu ngay lập tức và giúp vùng rách nhu mô gan chóng lành. Ba ngày sau thủ thuật, bệnh nhân bắt đầu phục hồi tốt và không mất máu thêm.

Bác sĩ CKII Nguyễn Phước Thuyết - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, đã trực tiếp thực hiện thủ thuật cho biết: ”Gan là cơ quan chứa rất nhiều mạch máu. Vì vậy, thường chảy máu nhanh khi bị chấn thương. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ bị đe dọa tính mạng do mất máu cấp. Trước đây, bệnh nhân vỡ gan cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu, nhưng tỉ lệ thành công không cao, thời gian theo dõi hậu phẫu kéo dài. Hiện nay, với phương pháp nút động mạch gan, thời gian thủ thuật được rút ngắn chỉ khoảng 30 phút, cầm máu được tức thì, bệnh nhân phục hồi sớm và trở về sinh hoạt bình thường sau vài ngày. Đặc biệt ở bệnh nhân đa chấn thương, việc tránh cuộc mổ lớn là rất quan trọng.”

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Hồi sức tăng cường nhấn mạnh: “Xu hướng hiện nay là lựa chọn phương pháp điều trị ít xâm lấn. Việc áp dụng phương pháp nút mạch giúp cầm máu tức thì là an toàn và hiệu quả. Vì bệnh nhân không những tránh được cuộc mổ lớn, mà còn tránh phải bị gây mê nội khí quản, giảm được lượng máu cần truyền, đặc biệt ở bệnh nhân đa chấn thương có tổn thương cơ quan hô hấp như bệnh nhân này.”

MỚI - NÓNG