Bộ có trách nhiệm khi sách giáo khoa có “sạn”
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu thực trạng bộ sách khoa học tự nhiên, tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số điểm bất cập. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào và đâu là giải pháp khắc phục? Trao đổi việc này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, khi có các ý kiến về sách giáo khoa, hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ đang điều chỉnh quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn.
Đánh giá phần trả lời “chưa hết ý”, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) phản ánh, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, sách giáo khoa hiện còn rất nhiều lỗi và “sạn”. Bộ trưởng có thấy ý kiến đó đúng không? Nếu đúng, Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để khắc phục? Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định “cần nhiều yếu tố”, trong đó vai trò của người soạn sách đặc biệt quan trọng. Bộ đang sửa đổi thông tư về biên soạn, thẩm định xuất bản sách giáo khoa. “Mặc dù xã hội hóa nhưng cần giám sát toàn bộ quá trình và có sự đồng hành của nhà quản lý chứ không phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả”, ông Sơn nói thêm, những người tham gia hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa, cùng chịu trách nhiệm.
“Vừa qua, tôi thấy Bộ trưởng chỉ đạo không dùng văn soạn mẫu trong việc dạy và học môn Ngữ văn, điều này rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Xin hỏi Bộ trưởng sẽ chỉ đạo như thế nào để thúc đẩy chủ trương này, để môn học có chất lượng hơn”.
Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum)
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá Bộ trưởng “trả lời chưa thuyết phục”. Bởi sách giáo khoa sai, học sinh đã mua, đã học, nên dư luận đang chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch. Theo bà, trách nhiệm trước hết là của hội đồng thẩm định do Bộ thành lập, cơ quan tham mưu và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ. “Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt. Lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên giải trình trước công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sửa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền”, đại biểu Thúy đề nghị.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, nhiều cử tri bày tỏ quan tâm, lo lắng về sách giáo khoa cấp 1, trong khi Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục. Theo bà, hội đồng thẩm định chỉ là giúp việc còn trách nhiệm cuối cùng là của Bộ và người đứng đầu là Bộ trưởng, không thể đứng ngoài cuộc. “Chúng ta không có quyền để các cháu học sinh lớp 1 với tư duy còn non nớt trở thành thực nghiệm của bộ sách giáo khoa này”, bà Xuân đánh giá, việc sử dụng một lần sách giáo khoa và tài liệu tham khảo gây lãng phí rất lớn, khó khăn cho dân nghèo. Ghi nhận các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Sơn hứa sẽ có chỉ đạo cụ thể về việc này.
“Vừa qua, trong một số cuộc họp và chỉ đạo công việc, tôi có nêu, cần phải chấm dứt, ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu. Bởi nếu dạy theo văn mẫu, đặc biệt là việc giáo viên đọc cho học sinh chép, cho học sinh học thuộc, điều đó rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh”.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh
Nêu chất vấn, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đồng tình với Bộ trưởng là phải cấm dạy thêm trực tuyến, nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Viện dẫn tình trạng “mật phục bắt quả tang” dạy thêm, theo đại biểu, không nên cái gì không quản được thì cấm. Theo ông, cần đánh giá tác dụng của dạy thêm thế nào, vì nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. “Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng một phần nhờ học thêm, chứng tỏ nó có tác dụng”, ông Long cũng đặt câu hỏi, tại sao ngành y được làm thêm mà giáo dục lại không? “Dạy thêm xuất phát từ thực trạng lương của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như kế mưu sinh. Cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo”, ông nói.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải, trước đây Bộ có thông tư quy định việc dạy thêm, học thêm và đang đề nghị bổ sung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. “Nếu giáo viên dạy thêm cho học sinh, bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt thì đây là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo, cần phải cấm. Dạy trực tuyến đã căng thẳng, nếu giáo viên dạy thêm theo cách này mới là điều cần lên án”, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Tiếp tục tranh luận, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều và câu chuyện này “chưa có hồi kết”. Theo ông, có bốn vấn đề cần giải quyết, trong đó cần giảm tải chương trình, bắt đầu từ giảm tải sách giáo khoa. “Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết”, ông Thành cũng đề xuất thay đổi phương pháp, từ “dồn ép kiến thức” sang “dạy tư duy”. Đồng thời cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc trang bị, nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân của tình trạng dạy thêm, học thêm. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tính đến lộ trình thi nhằm hạn chế dạy thêm. “Phụ huynh học sinh có tâm lý muốn con em mình học ứng thí hơn chú ý đến việc cho em mình học cái để phát triển bản thân”, Bộ trưởng Sơn nêu.