Tranh luận nóng về đề xuất bỏ 'Tiên học lễ, hậu học văn'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mấy ngày qua, đề xuất chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" của GS Trần Ngọc Thêm đã tạo ra làn sóng tranh luận nóng giữa giáo viên, phụ huynh và chuyên gia.

Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM) trình bày quan điểm trên trong tham luận: "Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".

Ông khẳng định, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, "tiên học lễ hậu học văn", đề cao sự phục tùng. Trong khi đó, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.

GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".

GS Thêm nhấn mạnh thêm, chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển.

Đã hết sứ mệnh?

Một giáo viên dạy Lý của trường THPT chuyên của Hà Nội cho rằng, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã hoàn thành sứ mệnh. Và giờ, cần cân nhắc kỹ khi sử dụng trong các nhà trường bởi nhiều năm qua chúng ta cứ treo khẩu hiệu nhưng học sinh vẫn cứ …hờ hững.

Thầy giáo này cho biết, chính trường của thầy đang tìm một Slogan mới trong thời điểm hiện nay với ngôn từ của khẩu hiệu hay triết lý hiện đại và bớt nho giáo hơn để học sinh dễ dàng hiểu được.

“Mấy năm qua giáo dục liên tục đổi mới. Đã đến lúc môi trường giáo dục cần những tư duy và cách truyền kiến thức cho học sinh một cách sáng tạo, đa dạng hơn. Theo tôi cũng không cần phải treo và ra rả nói "Tiên học lễ" nữa”- giáo viên này nêu quan điểm.

Cô NT.P, giáo viên dạy Hóa một trường cấp 2 tại Hà Nội bày tỏ, lâu nay, nhiều ngôi trường duy trì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng lại không chú trọng chuyển hóa nó thành hiện thực. Giáo viên lại không biết thế nào để dạy "lễ" cho học sinh. Đây là lý do khiến học sinh "xử" nhau bằng vũ lực; trò hỗn láo, bạo lực với thầy cô vẫn còn diễn ra ở môi trường giáo dục.

“Nếu chỉ đơn giản là treo khẩu hiệu dù nó ý nghĩa đến thế nào nhưng sẽ trở nên vô giá trị khi mãi chỉ là khẩu hiệu suông"- vị giáo viên này nêu quan điểm.

Đề xuất thêm khẩu hiệu

Tuy nhiên, cũng có nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Cô Thanh Thủy, giáo viên (giáo viên Ngữ văn cấp 2 tại Hà Nội nêu quan điểm, trong giáo dục hiện nay, cần đề cao tư duy phản biện, khai phóng, nhưng chấm dứt triết lý "Tiên học lễ, hậu học văn" thì không nên.

Nhà giáo này cho rằng, không nên hiểu hai chữ "lễ" và "văn" trong câu "Tiên học lễ, hậu học văn" một cách gò bó mà nghĩa của câu nói này rất rộng và để hiểu hết, làm theo thì lại do từng cá nhân.

Sinh viên Lê Vũ Anh Thư, năm ba bằng Cử nhân về quản trị du lịch khách sạn trường Đại học La Trobe ở Melbourne, Úc nêu quan điểm không đồng tình với ý kiến chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Anh Thư cho rằng, điều quan trọng trong câu khẩu hiệu là “lễ”: “Theo như em hiểu là “lễ phép”, “lễ độ”, tượng trưng cho cách sống biết trên biết dưới, tượng trưng cho đạo đức. Câu "Tiên học lễ, hậu học văn" liên quan đến “thái độ” trong 3 mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nên em thấy nó đặc biệt quan trọng”- Thư chia sẻ.

Cũng theo sinh viên này, hiện tại bây giờ các bạn trẻ ngày càng bình thường hoá sự ngông nghênh, coi thường, nhiễm nặng bệnh thành tích, câu khẩu hiệu này càng quan trọng ở trường hơn.

Anh Thư cho biết, cá nhân em thấy tiên học lễ không phải là sự phục tùng như Giáo sư nói mà đó là sự tôn trọng, sự tri ân. Nếu muốn nâng cao tư duy phản biện và sáng tạo như giáo sư nói thì nên thay đổi các hoạt động giáo dục, cách đánh giá, chấm điểm thì hơn

“Phương tây có câu “Old but gold” có nghĩa là những kiến thức những kinh nghiệm xưa có thể là “vàng” là tinh hoa. Gò bó hay nghĩ chữ ‘lễ” là sự ràng buộc chỉ là do mình quy định ra. Chứ theo em thấy bản chất nó rất đơn giản. Quan trọng là mình nghĩ gì về câu đấy. Chứ câu đấy không có tội”- Anh Thư nêu quan điểm.

Cũng theo sinh viên này, sống phải biết làm người trước khi biết chữ. Câu này là lời nhắc nhở mỗi người sống nên biết có trên có dưới, sống tôn trọng người khác trước khi tự hào về những kiến thức cao siêu, giải cao ngút trời.

Thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, câu “Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn nên giữ ở môi trường giáo dục.

Thầy Đạt cũng cho rằng, không những câu nói này cần nên giữ mà còn nên bổ sung thêm khẩu hiệu ở thời đại mới.

“Mỗi trường sẽ có một số cố định, thường là nói hệ thống giá trị của cuộc sống, khoa học, ý chí … Một số khác mang tính thời sự. Tuy nhiên, điều này cũng tuỳ mỗi trường muốn đi theo giá trị nào”- ông Đạt chia sẻ.

Giáo viên này cũng mong muốn, nhà trường sẽ bổ sung câu nói “ Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” mà Bác Hồ từng phát biểu cũng như đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình.

MỚI - NÓNG