Đề tổ hợp: Khó có thể học thêm, nhiều câu tư duy
Nhận định về việc tổ chức thi tổ hợp vào lớp 10 tại Hà Nội vào năm sau, Thầy Trần Phương – TS Trần Phương, Phó Giám đốc TT hỗ trợ phát triển tài năng cho rằng, đây là cách thức thi rất văn minh. Ở các tổ hợp, có hai môn chủ lực là Toán và Văn còn hai môn kia vẫn nhẹ nhàng để các em không học tủ, học lệch.
Cũng theo thầy Phương, với việc đánh giá trắc nghiệm khách quan không tạo áp lực học sinh. Nếu Sở công bố thêm đề minh họa sẽ giải tỏa sức ép tâm lý cho học sinh khi làm bài thi.
TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch hội tâm lý khoa học cho rằng, chúng ta phải quan niệm, việc thi cử của chúng ta hiện nay để buộc học sinh phải học, nếu học không có kiểm tra thì không đánh giá được kết quả. Quy trình việc tổ chức thi kiểm tra, đánh giá hàng ngày cũng như hết cấp là việc phải làm. Còn đến khi nào chúng ta phát triển, học không phải đến thi mà chỉ bằng kiểm tra đánh giá của từng trường, từng học sinh, giáo viên tự giác như một số nước đã làm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa làm được.
Thầy Lâm cho rằng, trước đây, chúng ta giảm áp lực cho học sinh nên chỉ tập trung vào Văn, Toán. Hiện tại Sở GD&ĐT tổ chức thêm các tổ hợp thi là cách thức rất tốt. Đề thi tổ hợp sẽ khó học thêm bởi đề thi có nhiều câu hỏi tư duy.
Vì thế, thầy Lâm cho rằng, đề thi làm sao buộc học sinh phải học thật nhiều, phải tư duy thật nhiều và gắn với thực tiễn. Điều đó sẽ khiến các em không thể học thêm- thầy Lâm nói.
Bài thi tổ hợp sẽ thế nào?
Lý giải đổi mới này, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên đã được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005 – 2006 và đã bộc lộ nhiều hạn chế: tạo nên hiện tượng học lệch các môn, học sinh chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, như vậy chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.
Bên cạnh đó, trong phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên; việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường khác nhau.
Phương thức thi mới cũng là đề xuất của hầu hết các hiệu trưởng Trường THPT, trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng trường THCS trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019 – 2020 do Sở GD&ĐT tổ chức.
Trong cuộc họp báo chiều 10/4 thông tin về tuyển sinh năm học 2018-2019, lãnh đạo Sở Hà Nội cho rằng, bài thi tổ hợp này thí sinh không được lựa chọn tổ hợp KHXH hoặc KHTN như thi THPT quốc gia mà các tổ hợp đều có các môn trộn lẫn giữa KH tự nhiên và KH xã hội bởi cấp THCS chưa có định hướng rõ ràng nghề nghiệp, các em đang cần phải nắm kĩ tất cả các môn nên đề thi phải trộn lẫn để học sinh không học lệch.
Vậy dựa trên cơ sở khoa học nào để Sở GD&ĐT Hà Nội sắp xếp các tổ hợp thi môn tự nhiên lồng ghép với xã hội ở các tổ hợp thi?, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trong đề thi, chúng ta sẽ có phần riêng của từng môn và khả năng sẽ có cả những câu hỏi tích hợp liên môn chứ không phải ghép các môn một cách cơ học.
Dự kiến khoảng tháng 9 hàng năm, bắt đầu vào năm học mới, sở sẽ công bố đề thi minh họa.