Ngày 14/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông lâm thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng vẫn được mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020. Xuất khẩu nông sản sang một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đạt tăng trưởng khá; riêng thị trường EU có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa một số ngành, trong đó có nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh, thành |
Đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, một số doanh nghiệp thiếu hụt lao động, đơn hàng cung ứng chậm, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại logistics. Các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, gây tác động tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, một số nhóm hàng nông sản có tính thời vụ đang vào mùa thu hoạch như: Vải, nhãn, thanh long, sầu riêng…(sản lượng vải thiều ước tính khoảng 340 nghìn tấn, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Hải Dương). Do vậy, các địa phương cần đưa ra các giải pháp tốt nhất để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường nông sản, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất theo mùa vụ, theo dõi sát tình tình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT cần bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu bộ tháo gỡ khó khăn; tham mưu mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp thu ý kiến các địa phương, phối hợp bàn giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc, đặc biệt tại các cửa khẩu. Các địa phương phải tiếp tục xây dựng phương án tiêu thụ cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ khi dịch COVID-19 lan rộng. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương.
Về tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho đến thời điểm hiện tại vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trường hợp nếu dịch bệnh nguy cơ cao tốc độ thông quan sẽ chậm do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Do vậy, các địa phương cần cơ chế vận hành kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ thông suốt, liên tục, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định và chủ động.