Ứng dụng báo chốt CSGT, camera phạt nguội
Kho tải ứng dụng của Google vừa xuất hiện ứng dụng “Xe360” với nhiều công cụ được người dùng ưa thích. Khi tải ứng dụng có biểu tượng ô tô này người dùng có thể thông báo, chia sẻ về các địa điểm có sự cố tai nạn giao thông, điểm ùn tắc, ngập lụt. Đáng chú ý, trong 5 thanh công cụ chia sẻ địa điểm, vị trí có hai lựa chọn “báo chốt CSGT” và “camera phạt nguội”.
Các công cụ này đặc biệt thu hút sự quan tâm người dùng. Bởi, trên diễn đàn các hội nhóm của ứng dụng, đa số người dùng chia sẻ cho nhau các vị trí có CSGT đứng chốt, thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí nhiều người dùng trước khi di chuyển ngoại tỉnh lên diễn đàn hỏi về các điểm có CSGT đứng chốt, bắn tốc độ, vị trí có camera phạt nguội trước khi thực hiện lịch trình di chuyển. Nhiều người khác khi di chuyển phát hiện liên báo vị trí có lực lượng CSGT, cảnh sát khác làm nhiệm vụ. Những thông tin này khi được chia sẻ nhanh chóng được các thành viên trong hội nhóm đặc biệt quan tâm, thích, bình luận.
Khi cài đặt ứng dụng, người dùng có 5 lựa chọn tính năng chia sẻ vị trí. Khi thông báo có “chốt CSGT”, bản đồ xuất hiện chiếc còi màu vàng trên nền vị trí màu đỏ. Còn khi báo vị trí có “camera phạt nguội”, màn hình bàn đồ xuất hiện biểu tượng camera giám sát màu trắng trên nền vị trí màu đen.
Theo tìm hiểu, sau hơn một tháng phát hành ứng dụng này đã thu hút hơn 2 triệu thành viên trên fanpage theo dõi, chia sẻ ứng dụng kèm theo lời quảng cáo về chức năng “báo chốt CSGT”. Nhiều quản trị viên fanpage còn hướng dẫn người dùng cài đặt, chia sẻ thông tin cho thành viên khác để “né CSGT”, 141, điểm bắn tốc độ… để thu hút người dùng chia sẻ thông tin và quảng cáo tải ứng dụng. Trên kho ứng Google play xếp hạng ứng dụng này 3,5 sao.
“Công khai” hay “tiếp tay vi phạm”?
Chia sẻ về ứng dụng “Xe360” có các tính năng trên, người dùng Quan Do (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, ứng dụng có nhiều ưu việt về việc người dân tăng quyền giám sát các hoạt động công khai của cảnh sát.
Đặc biệt, trong dự thảo luật Giao thông đường bộ mới xin ý kiến về việc công khai tên, tổ công tác, vị trí tuần tra kiểm soát vi phạm trên các quốc lộ, cao tốc và người dân có quyền ghi âm, ghi hình hoạt động bình thường của cảnh sát khi làm nhiệm vụ.
Trong khi đó, người dùng Thanh Hai (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, ứng dụng này hữu ích về việc báo vị trí ùn tắc, tai nạn, ngập lụt. Tuy nhiên, việc “báo chốt CSGT” vô tình tiếp tay cho người tham gia giao thông đối phó lực lượng chức năng.
Khi các vị trí chốt CSGT được báo rộng rãi, nhiều tài xế sẽ chấp hành tốt vị trí có cảnh sát nhưng thiếu ý thức khi lái xe những vị trí không có cảnh sát làm việc. Đồng thời, nhiều người sẽ có những tư tưởng “nhờn luật”, đối phó khi tham gia giao thông…
Trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Phòng tuyên truyền, hướng dẫn xử lý vi phạm (Cục CSGT) cho rằng, đơn vị đã nắm được thông tin về ứng dụng có tính năng “báo chốt CSGT”. Thượng tá Nhật cho biết, quan điểm của Cục CSGT là khuyến khích phát triển các tính năng thông báo địa điểm ùn tắc, ngập lụt hoặc tai nạn giao thông để giúp người dân di chuyển tốt hơn. Với tính năng thông báo địa điểm làm việc cụ thể của CSGT thì rất có thể sẽ xảy ra tình trạng nhiều người tham gia giao thông lách luật khi không bị giám sát, người vi phạm sử dụng ứng dụng đối phó, né tránh việc bị xử phạt thì Cục CSGT không khuyến khích.
“Cục CSGT có chủ trương minh bạch hóa, công khai hóa kế hoạch làm việc tuy nhiên, chúng tôi chỉ công khai về các tuyến đường có lực lượng quản lý. Còn lịch trình cụ thể CSGT hôm nay ở đâu, làm gì thì thuộc về nghiệp vụ, không thể công khai. Việc thông báo CSGT đang tại địa điểm nào có thể vô hình trung tiếp tay cho nhiều người vi phạm giao thông đối phó, chống đối lại việc chấp hành pháp luật và cũng có thể gây ra những nguy cơ mất an toàn giao thông. Đơn vị cũng đang nghiên cứu để có báo cáo, xin ý kiến các cấp về những thông tin này”, ông Nhật nói.