Tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao, một ước nguyện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trần Vàng Sao là thi sĩ riêng dị, hầu như không lẫn vào ai, không vướng vào trào lưu sáng tác nào của thế kỷ qua. Vừa hiện thực vừa u mặc, thoắt những câu thơ "tố khổ" tự trào cay đắng như tuốt xương tuốt máu, rồi chợt bảng lảng mông lung như những công án thiền. Trong "cõi" ấy, không thể thiếu tranh vẽ Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, đang treo kín những bức tường căn nhà ẩm mốc nơi Vỹ Dạ xứ Huế…

Đẹp

Danh họa Đinh Cường 10 năm trước từ Mỹ về Vỹ Dạ thăm Trần Vàng Sao, đã thốt lên bằng thơ “bao nhiêu là tranh Đạt Ma thiên sư/Nguyễn Đính vẽ không chán/vẽ càng lúc càng như tự vẽ mình”.

Một năm nào đó trò chuyện với nhà báo Phanxipăng, cũng là người gốc Huế, Trần Vàng Sao kể rằng với nghệ thuật tạo hình, ông mê nhất là tranh. Ban đầu là chép tranh, như bộ 10 bức Thập mục ngưu đồ quen thuộc trong Thiền tông. Rồi chép bài tới – một bộ bài trong trò chơi dân gian xứ Huế. Mỗi dịp Tết về, ông lại vẽ tranh con vật trong 12 con giáp để trưng chơi… Nhưng đề tài Sư tổ Đạt Ma dần trở thành sở đắc nhất của Trần Vàng Sao, không thể thiếu mỗi khi nhắc tới tên ông, dù dưới các bức tranh đều ký tên thật là Nguyễn Đính. Như ông tự kể, là đã bóc tách những họa tiết, xây dựng bố cục cho dòng tranh Bồ Đề Đạt Ma mang bút pháp riêng mình.

Không thể kể xiết các tác giả đông tây, kim cổ đã lấy cảm hứng từ hình tướng dị kỳ, huyền thoại bảng lảng của Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ thứ 28 thiền tông Ấn Độ thọ tới 112 tuổi này, để thể hiện trên đủ mọi loại vật liệu, từ giấy, gỗ, đá, đồng, thủy tinh, ngọc bích, trứng đà điểu, gốc tre, sừng trâu, lá bồ đề,… Thậm chí dung mạo và đôi mắt đặc biệt của Đạt Ma trở thành nguồn cảm hứng để ra đời búp bê Daruma (tiếng Nhật của Bồ Đề Đạt Ma) nổi tiếng từ 400 năm trước.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tranh của 3 thiền sư Nhật Bản cách nay đã nhiều trăm năm. “Trực chỉ chân tâm” (nhìn thẳng vào bên trong chính mình) là quan niệm nhất quán trong dòng tranh về Sư tổ Đạt Ma, khởi phát từ Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn thiền sư, 1686-1768), một danh họa về tranh thiền, thư pháp, cũng là người phục hưng dòng thiền Lâm Tế. Thời kỳ Edo ở Nhật khi ấy, thư pháp đặc trưng thường từ xám đến đen nhạt. Bức Chân dung Bồ Đề Đạt Ma khổ dài chất liệu mực trên giấy của Bạch Ẩn thiền sư kèm theo câu kệ nổi tiếng của Sư tổ Đạt Ma “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật” đã trở thành kinh điển mỹ thuật Thiền tông.

Tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao, một ước nguyện ảnh 1

Một số tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao Ảnh: Trần Tuấn

Trước đó gần 300 năm, Đạt Ma đã xuất hiện qua nét vẽ của thiền sư Sesshu Toyo (1420-1506), bậc thầy tranh mực Nhật Bản, trong tác phẩm “Huệ Khả cúng dường Bồ Đề Đạt Ma” (vẽ năm 1496). Mô tả một giai thoại nổi tiếng: Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách đá, phía sau là thiền sư Huệ Khả dâng lên Sư tổ cánh tay trái tự cắt lìa của mình, làm vật cúng dường để xin được nhận làm đệ tử. Sesshu Toyo cũng có một bức cận cảnh gương mặt Đạt Ma, đôi mắt lớn có cái nhìn thấu suốt nhưng khá ưu tư.

Trần Vàng Sao có bài thơ “Những điều có khi hôm nay bỏ qua không nhớ”. Nhưng chúng ta thì không thể quên, cuộc đời và số phận một thi tài hiếm có. Để cùng ông “trực chỉ chân tâm” “Tôi yêu đất nước này áo rách/Căn nhà dột phên ngăn không nổi gió/Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở”…

Tiếp đến, chân dung Bồ Đề Đạt Ma qua nét vẽ của Miyamoto Musashi (1584-1645) - một thánh kiếm (Kensei) của Nhật, lại lướt nhẹ làn mực như khẽ chao mũi kiếm qua gió thoảng, ánh mắt Ngài thường hướng xuống khá mông lung. Về sau này, Taiso Yoshitoshi (1839-1892) một nghệ sĩ người Nhật khác đã đưa Đạt Ma vào bộ tranh khắc gỗ màu nổi tiếng về 100 sắc thái của mặt trăng. Cảnh Ngài với áo choàng màu đỏ nhạt trùm đầu, thiền định bên ánh trăng xuyên qua vách hang động đổ nát.

Tại Việt Nam, cũng rất nhiều thư pháp gia, tu sĩ đã thể hiện hình tướng Bồ Đề Đạt Ma, trên nhiều loại vật liệu. Nhưng thường quá cầu toàn, trọn vẹn thậm chí đầy ứ dư thừa về màu sắc, bố cục từ dáng vóc, trang phục, đến các vật dụng mang theo lẫn bối cảnh xung quanh.

Còn tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao thì ngược lại. Hầu hết vẽ bán thân. Và tối giản đến mức rỗng. Nét mực tàu dường như không thể nhạt hơn, nhiều vệt nhiều mảng ngẫu hứng thả lỏng đến mơ hồ. Người đối diện lập tức bị cuốn ngay vào đôi mắt và ánh nhìn. Vẫn đôi tròng trắng to quá khổ, nhưng hai chấm đen đồng tử nhỏ xíu luôn neo mắc nơi tận cùng đuôi mắt. Những nét vẽ đơn giản, đơn nhất nhưng khoáng đạt, đầy khí chất, một thứ “trực chỉ chân tâm” hiếm có, khiến Đinh Cường phải thốt lên là Trần Vàng Sao đã “tự vẽ mình”. Hai mươi năm trước, trong một bài thơ, tôi đã gọi ông là “Vỹ Dạ Đạt Ma”…

Tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao, một ước nguyện ảnh 2

Nhà thơ Trần Vàng Sao và Bồ Đề Đạt Ma

Hôm cuối tháng 7 mới đây về Huế dự tưởng niệm đôi vợ chồng tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng tôi về Vỹ Dạ dâng nén hương lên bàn thờ vợ chồng thi sĩ tác giả “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Vẫn gốc vú sữa cổ thụ xù xì rễ trồi lên vươn dài trên mặt đất trước cửa, vẫn ngôi nhà gạch ba gian cũ kỹ với những bức tường bợt vôi ẩm mốc hằn vết nắng mưa, như mấy chục năm trước thời sinh viên ở Huế tôi đã thấy từ những lần tới đây chơi, như một ngày đầu hè của 5 năm trước tôi về dự tiễn cuộc đưa ông rời cõi. Và giờ đây, ngôi nhà “cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô/thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn” ấy, vẫn toát lên cái nghèo dai dẳng.

Tiếp chúng tôi là người con út Nguyễn Đông Xuyên, được người cha thi sĩ đặt cho cái tên ở nhà là Bờm. Bờm sinh năm 1982, hiện đang làm bảo vệ chợ Vỹ Dạ, còn vợ làm nhân viên cho một phòng khám tư nhân, đã có 2 con, gái lớp 8, trai lớp 4. Chị gái Bồ Câu (Nguyễn Cát Hiên) sinh năm 1979 thì làm hành chính ở Học viện âm nhạc Huế, chồng làm ở KCN Phú Bài, có 2 con gái.

“Đứa con thứ hai của tôi đang nằm sốt chờ lên sởi/Tiếng thở khò khè mắc ngang cuống cổ/Đứa lớn ngồi ngoài thềm gõ gõ que sắn xuống đất nhìn ra đường/Lúc này mà tôi không có một đồng…/…Này hỡi các con/Tiếng cười trong miệng ăn khoai mắc nghẹn”. Trong bài thơ có tên “Bây giờ tôi trông mỗi ngày có gạo ăn”. Đó là mùa đông năm 1984, người vợ tảo tần buôn gánh bán bưng với nồi bánh canh, còn Trần Vàng Sao lúc này vừa nghỉ việc giao liên đưa thư ở xã, nhận phụ cấp hằng tháng 44 đồng 9 xu, và loay hoay phụ giúp mẹ và vợ có tiền đong gạo nuôi con.

Chợt thắt lòng, khi nhìn thấy trên những bức tường sũng nước loang lổ rêu mốc là tranh Bồ Đề Đạt Ma, phải đến hơn bốn chục bức lớn, nhỏ. Con trai nhà thơ cho biết, có một số bức to quá, và bị hư hại nhiều do ẩm mục, nên đã cuộn lại cất trong tủ. Hỏi ra thì được biết ngôi nhà kiểu 3 gian này đã có tuổi đời hơn 60 năm, được xây bằng vôi từ thời Nguyễn Đính Trần Vàng Sao còn là cậu bé, hầu như chưa được sửa chữa gì. Mái ngói cũ, tường vôi đã rã mục gần hết, triền miên nước lụt tràn lên mưa trời dội xuống… Bộ tranh Bồ Đề Đạt Ma hiếm lạ của thi sĩ “Bài thơ của một người yêu nước mình” đang từng ngày đối diện nguy cơ bị hủy hoại, rã mục mà con cháu chạy ăn còn không đủ, biết làm sao để cứu? Bờm kể, có một người bạn họa sĩ ở Huế hứa giúp làm bộ khung tranh để bảo quản, nhưng cũng chưa làm được.

Chúng tôi chợt nảy ra ý định, và bàn với gia đình, đó là chỉ còn cách bán bớt một vài bức tranh Bồ Đề Đạt Ma của Trần Vàng Sao thông qua đấu giá. Đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân yêu nghệ thuật, các doanh nhân, văn nghệ sĩ cũng như một số hội, đoàn thể chung tay góp thêm kinh phí, để có thể sửa lại ngôi nhà cũ nát cho gia đình thi sĩ Trần Vàng Sao, cũng là cách để bảo quản bộ tranh Bồ Đề Đạt Ma có một không hai này một cách căn cơ nhất.

Sinh thời, Trần Vàng Sao vẽ lên bất cứ vật dụng gì vớ được, từ bìa vở, lịch cũ, đến giấy gói hàng, vỏ bao xi măng, với đủ loại mực học trò, mực nho, chì đen, bột màu rẻ tiền. Và một điều đặc biệt, như giai thoại, đó là tranh Bồ Đề Đạt Ma ông không tặng, cũng không bao giờ bán, dù quá. Nhưng bạn bè thân thiết ai thấy thích quá thì lén “bợ” một bức, ông cũng giả vờ… ngó lơ! Nên giờ ai có được một bức tranh Đạt Ma của Nguyễn Đính-Trần Vàng Sao, cảm giác còn quý hơn vàng.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.