Thiết bị dạy nghề xây dựng ở Trung tâm dạy nghề huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bị xếp kho. Ảnh: Hòa HỘI. |
Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy, hoạt động từ tháng 8/2008, một trong những trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư lớn ở ĐBSCL. Cơ ngơi nhà xưởng khang trang với 17 phòng, đủ điều kiện đào tạo 8 nghề: Sửa chữa máy vi tính, điện thoại, sửa xe gắn máy, may công nghiệp, vận hành sửa chữa máy gặt đập liên hợp, trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi.
Nhu cầu học nghề của thanh niên nông thôn ở huyện Vị Thủy rất lớn. Tổng số thanh niên hơn 65.000 người, chưa đầy một phần tư đã được đào tạo từ nghề ngắn hạn đến đại học, còn lại chưa được đào tạo nghề. “Tỉnh đầu tư lớn trang thiết bị nhằm đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn nhưng lại chưa sử dụng được, đang lãng phí”, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy (Hậu Giang), ông Nguyễn Ngọc Phước nói. |
Từ khi hoạt động đến nay, trung tâm được đầu tư 12 tỷ đồng. Riêng năm 2012, được đầu tư gần 7 tỷ đồng mua các trang thiết bị cơ khí, nuôi trồng thủy sản, điêu khắc, điện tử, 2 máy gặt đập liên hợp.
Thế nhưng từ khi có máy móc hiện đại đến nay, trung tâm chỉ mở được 5 lớp với 50 người theo học. Trong đó, có 2 lớp vận hành và sửa chữa máy gặt đập liên hợp. Trong tháng 1/2013, hai chiếc máy gặt đập liên hợp được đưa ra đồng ruộng cho các học viên thực hành, tổng cộng 20 ngày, sau đó tiếp tục cất vào kho.
Còn những trang thiết bị khác vẫn nằm trong kho. Phòng thực hành nghề kỹ thuật xây dựng có bộ giàn giáo, máy trộn bê tông cùng nhiều dụng cụ dành cho thợ hồ, tất cả im lìm.
Ở phòng thiết bị điện lạnh, điện công nghiệp, sửa xe gắn máy, sơ đồ mạch điện, các thiết bị đều mới tinh, nhiều thứ còn nằm trong thùng, chưa khui, chưa sử dụng lần nào.
Còn phòng may công nghiệp, 30 máy may sát nhau vì không có người học, cùng 20 máy tính trùm mền. Một cán bộ của trung tâm khẳng định, tất cả mới tinh, chưa có ai dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc trung tâm, giải thích là do thiếu thầy, thiếu thợ và thiếu cả người học. |
Ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc trung tâm, giải thích là do thiếu thầy, thiếu thợ và thiếu cả người học. Hiện nay, trung tâm còn thiếu giáo viên các nghề điện lạnh, điện cơ, chạm khắc hoa văn, gỗ. Thợ biết sử dụng trang thiết bị hiện đại cũng chưa có như điện lạnh, gỗ, xây dựng, thiết bị nấu ăn.
“Xin thêm biên chế không được vì chỉ tiêu có bấy nhiêu”, ông Phước nói. Thêm nữa, tuyển lao động học nghề khó khăn nên chưa thể mở lớp, ông Phước kể “nếu tuyển một lớp được 5 - 10 học viên thì cũng mở nhưng con số ít ỏi đó không đạt được”.
Tương tự, Trung tâm dạy nghề huyện Phụng Hiệp từ năm 2010 được đầu tư 5,5 tỷ đồng, xây dựng cơ ngơi trên 1,6 ha với 12 phòng chức năng, có 12 cán bộ nhân viên. Năm 2012 đi vào hoạt động với khả năng đào tạo 14 nghề. Tuy nhiên, mới mở được 10 lớp với 300 học viên, chủ yếu tại các xã, thị trấn trong huyện chứ không phải tại trung tâm.
Nên trong năm 2012, trung tâm được đầu tư 3 tỷ đồng mua nhiều trang thiết bị dạy nghề, tất cả đến nay vẫn còn để trong kho, nằm ngổn ngang.
Giám đốc Nguyễn Đức Bằng phân bua: “Trung tâm đang thiếu giáo viên các nghề may công nghiệp, hàn, tiện, gỗ. Một số nghề chưa có cán bộ phụ trách. Đặc biệt nghề hàn, tiện không mở được lớp nào. Riêng năm 2013, đến nay chưa mở được lớp vì đang chờ phân bổ chỉ tiêu”.
Ở Trung tâm dạy nghề huyện Long Mỹ, nằm giữa hai huyện trên, trang thiết bị cũng chất kho tương tự.