Trưa 12/1, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã đưa được 20 sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở TP.HCM xuống núi Bà Đen an toàn.
Trước đó, tối 11/1, Công an Tây Ninh nhận được tin báo về việc nhóm du khách này bị lạc, không thể tìm được đường xuống núi. Một sinh viên trong nhóm cho hay, sáng cùng ngày họ gửi xe máy ở nhà một người dân gần chân núi Phụng (một nhánh của núi Bà Đen), sau đó đi theo đường mòn lên đỉnh núi Bà Đen nhưng đến chiều tối không tìm được đường xuống nên điện thoại kêu cứu.
Gần 100 người gồm công an, cảnh sát cơ động, cứu hộ - cứu nạn và người dân được huy động tìm các sinh viên ngay trong đêm. Họ chia làm hai hướng theo hai bên sườn núi để đi lên tìm kiếm. Tuy nhiên, mãi đến gần trưa nay lực lượng chức năng mới tiếp cận được các sinh viên trong một eo đá tại khu vực đỉnh núi. Đây là nơi người dân khu vực trồng chuối, mãng cầu... nên không có ai sinh sống. Đa số các sinh viên đều trong tình trạng khá mệt mỏi do đói và thiếu nước.
Một sinh viên cho hay họ đã đi theo sự hướng dẫn của một người bạn trong nhóm vì người này đã vài lần chinh phục đỉnh núi Bà Đen bằng đường mòn. "Tuy nhiên, lần này chính anh bạn đó cũng bị lạc đường nên cả nhóm đành ở lại cả đêm trên đỉnh núi, may mắn được lực lượng chức năng tìm thấy", nam sinh chia sẻ.
Núi Bà Đen nằm trong quần thể di tích Núi Bà thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc. So với hai ngọn núi còn lại trong quần thể là Núi Heo và Núi Phụng, Núi Bà Đen nổi bật với chiều cao 986 m và được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Bộ. Quanh năm mây trắng lượn quanh đỉnh núi khiến Bà Đen trông giống như đang khoác một tấm lụa mỏng, bởi vậy núi còn có tên gọi Vân Sơn. Nhìn từ xa, núi Bà Ðen sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng.
Không chỉ hút du khách hành hương lễ phật, núi Bà Đen còn là điểm đến hấp dẫn của người đam mê leo núi. Để lên Điện Bà trên núi Bà Đen, du khách có 3 cách là cáp treo, máng trượt và đi bộ.
Theo Thu Đông