Tràn lan thiết bị gas kém an toàn

Thị trường gas cần được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Thị trường gas cần được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Không chỉ lo mua nhầm bình gas lậu, người tiêu dùng còn bất an với các thiết bị, như van điều áp, dây dẫn khí kém an toàn, không rõ xuất xứ đang được bán tràn lan trôi nổi trên thị trường.

> Rò khí gas, bật công tắc điện cũng gây nổ
> Những cách ngăn ngừa cháy nổ bình gas

Thị trường gas cần được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Thị trường gas cần được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của người tiêu dùng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Chiều 4-11, ghé vào một số cửa hàng trên đường Thích Quảng Đức (TPHCM) để hỏi mua một bếp gas giá bình dân, chúng tôi hoa mắt khi được các nhân viên bán hàng giới thiệu hàng chục chủng loại, có giá bán 350 - 900 nghìn đồng.

Chỉ một sản phẩm lạ có kiểu dáng khá đẹp, anh Tuấn, một người khá am hiểu mặt hàng gas, cho biết loại bếp này được các cơ sở ở Chợ Lớn (quận 5) sản xuất, nhái mẫu mã các thương hiệu nổi tiếng của Nhật.

“Họ nhập linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan, thuê các cơ sở trong nước gia công phần vỏ bếp. Do lắp ráp đơn giản nên sản phẩm không đầy đủ các tính năng cần thiết (bộ phận cảm ứng nhiệt, ngắt gas tự động,...) nên không đảm bảo an toàn khi sử dụng”, anh Tuấn nói.

Không chỉ chào mời mua bếp, các cửa hàng còn nhanh nhảu tiếp thị bán bình gas kèm thiết bị như bộ van điều áp, dây, được giới thiệu có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Nhiều trường hợp mua về sử dụng vài tháng, dây gas bị gẫy gập, khí gas thoát ra ngoài.

Đại diện Saigon Petro cho biết, gần đây, nhiều công ty kinh doanh gas nhập phụ kiện từ chính hãng bán cho khách hàng để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, do chênh lệch giữa hàng chính hãng và hàng trôi nổi khá cao, nên không ít người vẫn ham rẻ, mua phụ kiện trôi nổi.

Một số công ty kinh doanh gas tại TPHCM cho biết, gần đây giá gas tăng cao, nhiều gia đình còn mua thiết bị tiết kiệm gas xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan... bán trôi nổi trên thị trường với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Thiết bị này được lắp đặt trên ống dẫn gas vào bếp gas. Khả năng tiết kiệm đến đâu chưa được kiểm chứng, song một điều chắc chắn là các thiết bị trên tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn nếu sử dụng không đúng cách theo nhiều chuyên gia.

Trên thị trường Hà Nội, nhiều loại van điều áp và dây dẫn không có tem nhãn, hoặc nhái các hãng tên tuổi. Một cửa hàng bán gas tư nhân trên đường Trần Quý Cáp, dù diện tích chỉ chưa đến 10 m2, trông nhếch nhác, nhưng trưng biển bán 5 loại gas. Nhiều loại van, dây dẫn gas bày ngổn ngang trong tủ kính, có van điều áp được bóc rời, không nhãn hiệu, một số van đã cũ, có chỗ gỉ, để lẫn lộn với van mới. Chủ cửa hàng nói: “Nhiều loại lắm, giá 100.000 đến 200.000 đồng chiếc”.

Ông Lê Đình Chác, Cửa hàng trưởng số 2 (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chi nhánh Cty CP Gas Petrolimex Hà Nội, nói rằng người tiêu dùng thiếu thông tin, “cứ thấy tờ rơi, quảng cáo phát khắp nơi, thấy rẻ hơn chút là mua, chứ không xem xét cẩn thận đơn vị sản xuất, trọng lượng gas, hay các quy định có đúng không”.

Theo ông Chác, rất nhiều loại van trôi nổi trên thị trường, có cả van Trung Quốc, dù giá gốc chỉ 50.000 – 60.000 đồng/chiếc, nhưng bán cho người tiêu dùng hơn 200.000 đồng/chiếc.

Vấn đề an toàn trong khâu vận chuyển bình gas thường không được chú ý đúng mức. Ảnh: H.V
Vấn đề an toàn trong khâu vận chuyển bình gas thường không được chú ý đúng mức. Ảnh: H.V.
 

Phải hiểu biết về gas

Theo các kỹ thuật viên lắp đặt gas, nhiều loại van gas có tuổi thọ 3-5 năm, loại xịn nhất cũng chỉ khoảng 7 năm. Sau thời gian này, cần thay van và dây dẫn để đảm bảo an toàn. Khoảng 90% van có cầu chì tự động. Tuy nhiên, việc ngắt tự động chỉ xảy ra khi đứt, hoặc tuột dây dẫn gas, còn rò rỉ gas gần như không làm van ngắt, vì áp suất khí không đủ. Vì thế, khi dùng gas, chỉ nên mở một vòng, hoặc một vòng rưỡi, dùng xong khóa lại là tốt nhất.

Ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết, việc rò rỉ gas chủ yếu ở bốn khâu là rò rỉ từ đầu van điều áp, van đầu bình gas, các đầu nối ống dẫn với van và do đường dây dẫn khí gas bị bẩn, chuột cắn, rạn, nứt.

“Với người tiêu dùng, mỗi lần thay gas, cần phải yêu cầu bên lắp đặt họ kiểm tra van, dây dẫn khí cho mình. Nếu không, phải tự kiểm tra, bằng cách dùng một ít xà bông, nếu rò rỉ thì sủi bọt lên”, ông Thắng nói.

* Ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng Kiểm định bình (thuộc Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn KV 3 – Đà Nẵng), cho biết: Số bình gas được kiểm định trung bình mỗi năm khoảng 50 – 60 ngàn chai, trong đó lượng bình gas không đạt chất lượng chiếm khoảng 0,5 – 1 %. Khâu vận chuyển và bảo quản gas là hết sức quan trọng song vẫn chưa được đề cao.

Thực tế, các đại lý gas khi tuyển người chuyên chở bốc xếp chỉ là lao động bình thường, không được tham gia tập huấn nên việc vận chuyển chưa đúng quy trình. Khi giao gas cho khách hàng lần đầu sử dụng, đại lý gas cần có thông tin hướng dẫn về sử dụng gas an toàn.

* Ông Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội khẳng định, bình gas trong vụ nổ ngày 3-11 ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng vẫn còn nguyên vẹn, vì vậy nguyên nhân nổ không phải do bình gas. Ông Thiều nhận định, khả năng dây dẫn gas bị chuột cắn hoặc người dùng không khóa gas chặt, khiến gas rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện rồi phát nổ.

Nếu do lỗi kỹ thuật về khóa hỏng hay bình gas bị rò rỉ, nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này. Các bộ phận liên quan bình gas như, dây dẫn, khóa, bếp gas đang được cơ quan chức năng tiến hành giám định để xác định rõ nguyên nhân sự cố chết người trên.

Ngày 4-11, hai vợ chồng anh Trần Nhật Minh và Nguyễn Thị Thu Ngân, chủ ngôi nhà bị sập tại phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), vẫn đang được các bác sỹ Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn tận tình điều trị. Hiện cả hai anh chị Minh – Ngân đã qua cơn nguy kịch.

Tại giường bệnh, anh Minh thì thào nói, lúc đó hai vợ chồng đang ngủ thì ngửi thấy mùi gas, vợ tôi xuống dưới nhà bật đèn khiến ngọn lửa bùng phát cùng với tiếng nổ lớn.

Hoài Văn - Minh Đức

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sấu trong ký ức người Hà Nội
Sấu trong ký ức người Hà Nội
TPO - Ai đã sống nhiều năm ở Hà Nội đều có chút kỷ niệm vương vấn với quả sấu. Hàng năm, khi lũ ve sầu cất tiếng hát râm ran là lại đến mùa sấu. Sấu hiện diện ở khắp mọi nơi, từ trong bữa cơm của mỗi gia đình, những ly nước sấu ngoài vỉa hè.