Tràn lan rác thải nhựa, vai trò của nhà bán lẻ

0:00 / 0:00
0:00
Để giảm rác thải nhựa không chỉ vai trò, trách nhiệm của nhà sản xuất mà còn một đầu mối quan trọng nữa chính là người tiêu dùng và doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ.

Khủng hoảng nhựa dùng một lần vì được phát không

Du học Hàn Quốc trở về, Lê Kim Khánh ở Hà Nội thừa nhận chưa ở đâu việc sử dụng túi nhựa, bao bì nhựa lại dễ dàng như ở Việt Nam.

“Ở quốc gia em theo học, mua hàng mỗi người được một túi ni-lông để đựng, không được xin thêm nếu cần. Ở Việt Nam, bạn muốn bao nhiêu cũng được. Nếu nhân viên thanh toán không đưa sẽ bị khách hàng nói là kẹt xỉ” – đó là trải nghiệm của Lê Kim Khánh.

Tràn lan rác thải nhựa, vai trò của nhà bán lẻ ảnh 1

Túi ni-lông được dùng miễn phí ở siêu thị (Ảnh: Internet)

Chị Hà Thị Phượng ở Cần Thơ cũng có trải nghiệm tương tự khi du lịch ở Singapo. Trước khi lên máy bay về nước, chị tranh thủ mua sắm ở cửa hàng miễn thuế ở sân bay.

“Khi mua chai nước hoa, tôi được một túi ni – lông trong suốt để bọc hộp nước hoa. Tôi nói mình cần thêm một túi nữa nhưng nhân viên thanh toán nói họ không thể đưa thêm vì đó là quy định của đất nước họ với mục đích giảm rác thải nhựa” – chị Phượng nhìn đống túi ni-lông trong suốt xếp gọn gàng trên bàn mà không thể lấy.

Nhiều người đã rất sốc khi đến các quốc gia phát triển, việc dùng bao bì nhựa cũng được thắt chặt. “Chính điều đó mới thúc đẩy lối sống văn minh, có trách nhiệm với môi trường” – chị Phượng thừa nhận.

Ở nước ta, càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm càng cao, chính vì vậy bao bì thải bỏ cũng nhiều hơn. Ai cũng mong bán nhanh, mua sớm mà không mấy ai để ý đống rác nhựa sẽ đi về đâu.

“Nếu là thùng các – tông, chai nhựa thì có thể tái chế nhưng túi ni – lông, hộp xốp dẻo không mấy ai thu gom bởi vật liệu đó rất rẻ khoảng 1000 đồng/ kg túi” – một chủ vựa thu mua đồng nát ở Hà Nội cho biết.

Tràn lan rác thải nhựa, vai trò của nhà bán lẻ ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Toàn -Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Ảnh:vasi.gov.vn)

Nếu muốn giảm ô nhiễm nhựa đại dương thì trước hết phải hành động quyết liệt từ trong đất liền. Tại Hội nghị “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng cho biết, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Vì thế, việc quan trọng là phải có các giải pháp mạnh mẽ để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Nhà bán lẻ cần vào cuộc

Tiêu dùng nhanh vừa là biểu hiện của nền kinh tế phát triển, năng động nhưng cũng là mặt trái gây ra sự quá tải rác thải nhựa dùng một lần với môi trường. Bên cạnh đó, khả năng quản lý rác thải kém khiến tình trạng rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường thiên nhiên ngày một tệ hơn. Do đó, điều cấp bách hiện nay là nâng cao nhận thức cộng đồng để thay đổi hành vi về việc tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần.

“Mọi kế hoạch sẽ không thành công nếu nhận thức của người tiêu dùng không nâng lên” - Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho rằng tiêu dùng xanh là cách vừa tiết kiệm vừa bền vững.

Tháng 6 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050; Khuyến khích phân loại rác thải và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Đến năm 2025 tái sử dụng, tái chế, xử lý lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây.

Tại Hội thảo diễn ra ở Hà Nội tháng 6 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến: Tiệu thụ đồ nhựa dùng một lần đang quá dễ dàng vì nó gần như miễn phí. Các siêu thị, cửa hàng phát không túi nilong cho khách hàng. Không nhiều người sẵn sàng chi 7-10 nghìn đồng cho một túi dùng được nhiều lần bởi thói quen không ai mang túi đi chợ hay đi siêu thị.

Nhà bán lẻ là trung gian kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng. Ông Đàm Mạnh Tuấn - Giám đốc Khối Vận hành khu vực phía Bắc, Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết kết quả đáng mừng trong giao dịch thanh toán tại siêu thị AEON.

“Trước 2019 chỉ có 1% giao dịch thanh toán tại AEON là không dùng túi nilon. Nhưng với sự tích cực triển khai kinh tế tuần hoàn, cuối 2022 trên 7% giao dịch không dùng túi nilon. Chúng tôi thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như là túi bạt, bìa các-tông” – ông Tuấn cho biết thêm trước sự thay đổi này của siêu thị, khách hàng rất hào hứng tham gia bởi có giải pháp hỗ trợ. “Chúng tôi có chương trình khách hàng tự mang túi đến sẽ được hỗ trợ 1000 đồng để khuyến khích bà con mang túi đi siêu thị” – ông Tuấn thông tin.

Chuỗi siêu thị Vinmart (nay là Winmart) cũng từng có giai đoạn thực hiện chương trình ưu đãi cho các khách hàng mang túi đến. Thế nhưng, sau khi kết thúc chương trình, thì lại không nhận được những tín hiệu tích cực như trước. Túi nilon phát sẵn tại siêu thị luôn dung dưỡng cho thói quen tiêu dùng nhanh.

Đứng trước lợi nhuận và trách nhiệm xã hội, phía nhà bán lẻ cũng gặp khó khăn. Ông Đàm Mạnh Tuấn nêu: “Hiện nay AEON đầu tư dùng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cốc đĩa nhựa dùng một lần. Sản phẩm thay thế cũng có nhược điểm, giá cao, nhà cung cấp thấp, ít sự lựa chọn” – vì thế không nhiều khách hàng mặn mà với mặt hàng thay thế đồ nhựa.

Ông Tuấn cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa để người tiêu dùng chung tay cùng doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ thúc đẩy tiêu dùng xanh, giảm rác thải nhựa.

Là cơ quan chủ trì triển khai chương trình hành động quốc gia sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Trịnh Quốc Vũ (Bộ Công thương) cho biết nhiều doanh nghiệp đã và đang đồng hành cùng chung mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Bộ Công thương đã có các hoạt động hỗ trợ cho chuỗi bán lẻ để thực hiện các hoạt động giảm thiểu chất thải túi nilon. Doanh nghiệp, siêu thị hưởng ứng nhiệt tình như BigC, Meling Plaza…” Đây sẽ là xu hướng và chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa để tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng, gửi tín hiệu đến các cơ quan phân phối bán lẻ, hình thành chuỗi bền vững từ sản xuất đến tiêu dùng” – ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG