Xử lý nơi này, “phình” sang nơi khác
Đầu năm 2015, khoảng 15ha đất vùng cát và rừng phi lao phòng hộ ven biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, chỉ trong thời gian ngắn đã bị san phẳng, cày xới ngổn ngang, phá vỡ hiện trạng bức tường xanh che chở xóm làng, để ồ ạt “hô biến” thành hồ nuôi tôm trái phép khiến dân hết sức bức xúc. Sau khi người dân, công luận lên tiếng, vùng nuôi tôm “lậu” này bị đình chỉ. UBND huyện Phú Lộc cũng ban hành quyết định xử phạt hành chính 26 đối tượng nuôi tôm trái phép tại Vinh Mỹ.
Gần 3 năm sau sự việc nói trên, đến nay, công tác khôi phục hiện trạng, trồng rừng khắc phục hậu quả chưa được thực hiện triệt để. Nhiều diện tích sau khi đình chỉ nuôi thì nay vẫn là một vùng cát hoang hóa, hàng nghìn cây lâm nghiệp trồng phục hồi không thể sống sót.
Sau vụ phá rừng nuôi tôm lậu ở Vinh Mỹ, lại có thêm một điểm nóng khác về nuôi tôm trái phép “phình” ra tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, vào giữa năm 2015. Đây là thị trấn du lịch, có vịnh đẹp thế giới Lăng Cô và đầm nước danh thắng Lập An. Cho đến nay, khi đi dọc QL1 qua hết nam hầm đường bộ Phú Gia trở vào trung tâm thị trấn Lăng Cô, không khó để bắt gặp những hồ nuôi tôm chân trắng “chen” giữa những khoảnh đất nhỏ dưới chân đèo, gần cửa hầm, trong khu dân cư, trên đất nông nghiệp, hay ven đầm Lập An. Đa số các hồ nuôi đều không bảo đảm những tiêu chí về môi trường, xả thải… Đến nay, nhiều hồ tôm “vây” danh thắng Lăng Cô dù ngưng hoạt động do thua lỗ, hoặc những lý do khác, nhưng vẫn nham nhở hầm hố, không được cưỡng chế hoàn thổ, trả lại hiện trạng ban đầu.
Ngó lơ cưỡng chế hồ tôm “lậu”?
Trong năm 2017, “dịch” nuôi tôm trên cát trái phép lan mạnh sang xã Lộc Vĩnh, tại vùng tiếp giáp với thị trấn Lăng Cô, với hơn 20 ao nuôi xả thải trực tiếp ra vịnh biển đẹp. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, khu vực nuôi tôm kể trên tại Lộc Vĩnh của các hộ dân diễn ra tự phát, trước sự ngó lơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền xã, sau đó để vùng nuôi tôm “lậu” lan rộng. Vùng nuôi này không hề nằm trong quy hoạch của tỉnh, huyện và quy hoạch chi tiết của địa phương, cơ sở ao hồ không bảo đảm điều kiện nuôi, nguy cơ phát tán ô nhiễm, dịch bệnh.
Sau khi để hồ tôm “lậu” hình thành ồ ạt, trong tháng 6/2017, UBND xã Lộc Vĩnh từng ban hành quyết định xử phạt hành chính các chủ đất để xảy ra nuôi tôm trái phép, buộc khôi phục nguyên trạng. “Các đối tượng bị phạt hành chính chưa chấp hành nộp tiền phạt và khôi phục hiện trạng thửa đất, gây bất bình trong cộng đồng dân cư và xã hội”, theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến tháng 12/2017, vùng nuôi tôm “lậu” ở xã Lộc Vĩnh vẫn hoạt động bình thường, thách thức các quy định pháp luật, và không gặp bất kỳ trở ngại hay sự ngăn chặn, xử lý nào từ chính quyền sở tại hoặc cơ quan chức năng. Việc chậm cưỡng chế các hồ nuôi tôm “lậu” tại Lộc Vĩnh được cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc giải thích phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh(!).