Tràn lan nhà xưởng trái phép ngoại thành Hà Nội: Xã 'chống lệnh' huyện?

TPO - Mặc dù, UBND huyện Thanh Oai đã đôn đốc xử lý, nhưng các công trình nhà xưởng vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại; thậm chí có nhiều công trình xây mới.

Huyện chỉ đạo xử lý

Liên quan đến bài viết “Tràn lan nhà xưởng trái phép: Chỉ là việc bé?” đăng trên báo Tiền Phong ngày 5/10, phản ánh tình trạng nhiều nhà xưởng và nhà ở kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công do UBND xã quản lý tại các xã Cự Khê, Thanh Cao. Việc xây dựng trái phép tiếp diễn nhiều năm nay nhưng không ai xử lý.

Sau khi báo Tiền Phong phản ánh, ngày 6/10, UBND huyện Thanh Oai có văn bản chỉ đạo UBND xã Cự Khê và Thanh Cao kiểm tra, rà soát toàn bộ vi phạm đất đai trên địa bàn. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế đối với các vi phạm, có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tái phạm.

Tràn lan nhà xưởng trái phép ngoại thành Hà Nội: Xã 'chống lệnh' huyện? ảnh 1 Nhiều công trình xây dựng được thực hiện bất chấp chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai

Văn bản của UBND huyện Thanh Oai nêu rõ: Kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu vực bãi Vòng, thôn Cao Mật Thượng (xã Thanh Cao) và khu vực nhà xưởng ở đường Miền Đông thôn Thượng (xã Cự Khê). Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

Nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND huyện Thanh Oai trước ngày 30/10/2010.

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ đạo của UBND huyện Thanh Oai vẫn chỉ nằm trên giấy. Theo ghi nhận của PV, các công trình sai phạm tại xã Cự Khê và Thanh Cao vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động, một số công trình mới được san lấp, xây dựng mới như tại hồ Tiền, khu vực chân đê xã Thanh Cao mà không có sự can thiệp nào từ chính quyền địa phương.

Xã 'nói đỡ' công trình sai phạm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho rằng, việc các hộ gia đình xây dựng nhà kho, nhà xưởng dọc tuyến đường Miền Đông thôn Thượng chủ yếu là trên đất ao, vườn của gia đình. “Một số xưởng xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp nên các hộ dân đã cải tạo nhà xưởng cho cao hơn. Những nhà xưởng xây dựng là đất của ông cha để lại, nằm trong quy hoạch khu dân cư và đã được UBND huyện cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai”, ông Phương nói.

Tràn lan nhà xưởng trái phép ngoại thành Hà Nội: Xã 'chống lệnh' huyện? ảnh 2 Hàng loạt nhà xưởng được xây dựng dọc đường Miền Đông thôn Thượng xã Cự Khê

Ông Phương cho rằng, việc xây dựng nhà xưởng như hiện nay là do nhu cầu thực tế của xã hội. Hiện, UBND xã chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nên việc cấp giấy phép xây dựng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, hiện UBND huyện không cấp giấy phép xây dựng cho các nhà xưởng ốp tôn, nhà tạm.

Chủ tịch UBND xã Cự Khê khẳng định các nhà xưởng có thiết bị phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, khi được hỏi: hàng trăm nhà xưởng lớn nhỏ trên địa bàn xã, có nhà xưởng nào được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy không thì ông Phương không trả lời. Khi chúng tôi đề nghị được tiếp cận bản đồ địa chính xã để xác định vị trí nhà xưởng và nguồn gốc đất thì ông Phương từ chối.

Trong khi đó, ông Lê Bá Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Cao xác nhận có tình trạng lấn chiếm đất công, vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương. Theo ông Tuấn, một số trường hợp có nguồn gốc do thôn, xóm hay UBND xã giao đất trái thẩm quyền từ thời điểm trước. Do nhu cầu sử dụng đất của các hộ dân, UBND xã đã kiến nghị UBND huyện xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ này.

Tràn lan nhà xưởng trái phép ngoại thành Hà Nội: Xã 'chống lệnh' huyện? ảnh 3 Nhà xưởng vừa được xây dựng và tiếp tục san nền của công ty TNHH thiết bị điện Mahatachi.

Cũng theo ông Tuấn, khu vực đất Bãi, phía ngoài đê sông Đáy, nơi có hàng chục nhà xưởng quy mô lớn được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đây là đất công do UBND xã Thanh Cao quản lý, giao cho một số hộ thầu khoán để trồng cây. Sau đó, các hộ này đã tự ý cho người khác thuê lại, xây dựng nhà xưởng trái phép. Những sai phạm này hình thành từ các nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, có nhiều nhà xưởng mới xây dựng, thậm chí vừa được san nền, đổ bê tông, chờ ngày dựng xưởng của công ty TNHH thiết bị điện Mahatachi.

"UBND xã đã mời các hộ dân lên làm việc, nhưng các hộ đều không đồng ý thanh lý hợp đồng với người đang thuê đất. Xã cũng đã kiến nghị các cấp cho các nhà xưởng tiếp tục hoạt động, vì họ đã đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc", ông Tuấn nói thêm.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.