Tràn lan biển hiệu, biển quảng cáo quá khổ

Vi phạm biển quảng cáo tại các cửa hàng TGDĐ tại Hà Nội.
Vi phạm biển quảng cáo tại các cửa hàng TGDĐ tại Hà Nội.
TP - Đợt kiểm tra vừa qua của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã phát lộ hàng loạt biển hiệu, bảng quảng cáo vượt diện tích quy định, quá thời hạn quảng cáo, quảng cáo không phép… Thế nhưng, việc xử lý tận gốc đang “vướng” vì chồng chéo trong quản lý.

100% biển hiệu, bảng quảng cáo có vi phạm

Mới đây, đoàn công tác liên ngành của Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đã ra quân thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo ngoài trời. Kết quả kiểm tra ở 13 quận, huyện của Tổ kiểm tra liên ngành cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, vi phạm trật tự xây dựng, phòng chống cháy nổ… xuất hiện ở tất cả các địa phương. Trong đó, các lỗi phổ biến là: Vượt diện tích quy định, quá thời hạn quảng cáo, quảng cáo không phép, quảng cáo trong khu vực quy định hạn chế…

Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, ở tất cả các quận huyện đều phát hiện sai phạm về kích cỡ biển quảng cáo. Trong các vi phạm này, có rất nhiều thương hiệu lớn. Đơn cử như biển quảng cáo tại các cửa hàng của Cty Cổ phần Thế giới di động, ngoài màu sắc nổi bật với nền biển màu đen và dòng chữ “thegioididong.com” màu vàng nằm ở giữa, hầu hết các biển quảng cáo này đều có kích thước lớn hơn so với quy định. Có thể kể đến các cửa hàng tại 163 đường Đại La (quận Hai Bà Trưng), biển hiệu được bố trí ôm trọn mặt tiền hàng chục mét; số 233 đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) biển quảng cáo đua ra chiếm gần như trọn vẹn vỉa hè; 470 và 472 đường Lê Duẩn…Theo thống kê, riêng thương hiệu này có tới 145 cửa hàng trên tổng số 151 cửa hàng có biển quảng cáo vi phạm.

Bên cạnh đó, tại các chuỗi cửa hàng lớn khác như: FPT shop, Điện máy xanh, Mediamart, Kangaroo, Pico… cũng đều vi phạm có hệ thống với những lỗi rất nghiêm trọng. Các biển hiệu, bảng quảng cáo đa phần đều có diện tích vượt gấp 5 – 6 lần so với quy định. Không chỉ vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, các biển, bảng này còn đặc biệt nguy hiểm khi cứu hộ, cứu nạn, cản trở công tác phòng cháy, chữa cháy.

Một biển hiệu 2 nơi quản

Theo quy định, các biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi Tổ công tác liên ngành thành phố kiểm tra, không có cửa hàng nào xuất trình được giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo.

Thực tế, các quận, huyện, thị xã cũng chưa thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo, biển hiệu có diện tích trên 20m2 theo quy định tại điều 31 của Luật Quảng cáo và điều 33 Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Hà Nội.

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan về biển quảng cáo là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Mỗi bảng quảng cáo vi phạm chỉ xử phạt chưa đến 10 triệu đồng/lần. Quan trọng hơn, đang có sự chồng chéo trong quản lý biển hiệu, bảng quảng cáo. Theo luật, ngành văn hoá chỉ chịu trách nhiệm về nội dung trên biển quảng cáo. Phần khung sắt, hạ tầng thuộc thẩm quyền của ngành xây dựng. Theo đại diện Sở VH-TT Hà Nội, khi phát hiện sai phạm, đơn vị chỉ có thể xử lý phần của mình quản lý như phủ bạt lên nội dung rồi xử phạt. Ngoài ra, Sở VH-TT cũng không phải là đơn vị cấp phép biển quảng cáo, chỉ có thỏa thuận thông báo chấp nhận đặt logo, thương hiệu lên biển. “Tuy nhiên, thực tế Sở Xây dựng cũng không hề cấp phép, đây chính là kẽ hở trong xử lý các vi phạm”, ông Hoàng nêu.

Một đại diện khác của Sở VH-TT cho biết thêm, muốn xử lý tận gốc vấn đề thì phải trao quyền xử phạt hành chính cùng với biện pháp khắc phục như buộc tháo dỡ, trả lại nguyên trạng. “Để làm được việc này nên phân về chính quyền, UBND các cấp”, vị này nói.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm cho biết, từ trước đến nay phòng chưa nhận được đơn xin cấp phép xây dựng công trình biển hiệu, bảng quảng cáo nào. Theo vị này, Phòng Quản lý đô thị chỉ quản lý công trình nhà ở riêng lẻ chứ không quản lý về công trình biển, bảng quảng cáo. Tương tự, tại quận Đống Đa, đại diện UBND quận cũng khẳng định, đến thời điểm này, chưa có biển hiệu, biển quảng cáo nào được cấp phép.

Một đại diện của Sở VH-TT cho rằng, muốn xử lý tận gốc vấn đề thì phải trao quyền xử phạt hành chính cùng với biện pháp khắc phục như buộc tháo dỡ, trả lại nguyên trạng.

MỚI - NÓNG