Trận không chiến đầu tiên của Không quân VN qua phim 3D của Hiệu trưởng 39 tuổi

Nguyên phi công Đoàn không quân Sao đỏ - ông Nguyễn Văn Quỳ xúc động khi xem bộ phim về cuộc giao tranh trên bầu trời cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Thanh Trần
Nguyên phi công Đoàn không quân Sao đỏ - ông Nguyễn Văn Quỳ xúc động khi xem bộ phim về cuộc giao tranh trên bầu trời cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Thanh Trần
TP - “Những cánh én đầu tiên” - phim tài liệu lịch sử vừa ra rạp tại Đà Nẵng và sắp có mặt tại Hà Nội, TPHCM đang “tạo sóng” với khán giả. Không có biên kịch, đạo diễn nổi tiếng hay phim trường hoành tráng…, bộ phim được làm nên bởi những người làm phim “tay ngang” từ trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Đầu năm 2019, trailer bộ phim được tung ra đem lại khá nhiều sự hoài nghi. Bởi những người lần đầu làm phim, mà lại là phim tài liệu lịch sử làm sao có thể tái hiện rõ nét, thấu đáo được trận không chiến đến nghẹt thở này? Chờ đợi nhiều tháng trời, phim cũng công chiếu với hai mảng chính.

Từ cảnh bắn rơi máy bay Việt trong phim Mỹ

Phần đầu xâu chuỗi, đánh giá sự kiện qua lời kể của trung tướng Trần Hanh - phi công duy nhất của biệt đội bay còn sống, cùng những chứng nhân lịch sử, chuyên gia, các phi công khác. Phần thứ hai tái hiện lại trận chiến trên không bằng những kỹ xảo điện ảnh hiện đại. Đó là trận chiến trên cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 4/4/1965 giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với Không quân và Không quân Hải quân Mỹ.

Biệt đội tiêm kích thuộc Đoàn không quân Sao đỏ trong trận đánh lịch sử này gồm các phi công Trần Hanh, số 1 với máy bay số hiệu 2316; Phạm Giấy, số 2 với máy bay số hiệu 2410; Lê Minh Huân, số 3 với máy bay số hiệu 2412; Trần Nguyên Năm, số 4 với máy bay số hiệu 2416. Nhận hiệu lệnh xuất kích, từ sân bay Nội Bài, biên đội đã bay đến khu vực chiến đấu.

Biên đội trưởng Trần Hanh báo cáo phát hiện tốp F-105 mang bom chuẩn bị tấn công cầu Hàm Rồng và đã triển khai đội hình tiến công ngay sau đó. Trận không chiến diễn ra trong chớp mắt. Dù có ưu thế hơn về mặt kích thước và kỹ thuật, hai máy bay cường kích F-105 của địch vẫn bị biên đội hạ gục.

Trong trận chiến đấu tiếp theo với biên đội F-100D hộ tống F-105, phi công Lê Minh Huân bị rơi gần biển Sầm Sơn. Hai chiếc còn lại do phi công Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm bị rơi trong những tình huống không xác định. Riêng phi công Trần Hanh đã cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay F-100D. MiG-17 của Hanh đã hết dầu và hỏng la bàn nên phải hạ cánh xuống con suối cạn thuộc bản Kẻ Tằm, huyện Quỳnh Châu, tỉnh Nghệ An.

Trận không chiến đầu tiên của Không quân VN qua phim 3D của Hiệu trưởng 39 tuổi ảnh 1 “Những cánh én đầu tiên” là phim tài liệu kết hợp hình ảnh 3D  

TS. Lê Nguyên Bảo, hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân - đạo diễn phim nói, ngày còn du học ở Mỹ, anh được xem serie phim 3D về không quân Mỹ. Trong đó có phần chiến tranh Việt Nam với những cảnh máy bay Việt Nam bị bắn rơi. “Xem tới đó, lòng tự ái dân tộc trong tôi nổi lên. Tôi hứa với bản thân sẽ làm một bộ phim về cuộc giao tranh trên bầu trời, với góc nhìn khác, và chắc chắn sẽ làm bằng công nghệ 3D như vậy, dù hồi đó phim 3D còn rất lạ lẫm. Nhưng tôi tin mình sẽ thực hiện được”, vị hiệu trưởng sinh năm 1980, nói.

Về nước, anh càng quyết tâm làm phim hơn bởi có lợi thế tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính, cùng sở trường nghiên cứu hàng không, quân sự. Đọc những trận không chiến của Việt Nam qua sách báo, tài liệu, Lê Nguyên Bảo chọn trận đánh ngày 4/4/1965. Anh cười: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ những trận đầu tiên (trận ngày mồng 3, 4) bao giờ cũng là trận đơn giản, lần đầu làm phim cứ trận nào dễ thì làm. Bắt tay vào mới thấy không đơn giản chút nào. Nhưng đã lên thuyền rồi không thể xuống thuyền được nữa!”.

Suốt 5 năm trời, Lê Nguyên Bảo phỏng vấn hầu hết những phi công tiêm kích quan trọng nhất của Việt Nam, lội trong bể tư liệu lịch sử để chắt lọc dữ kiện chính xác tuyệt đối. Những thành viên khác trong ê kíp cũng bỏ ra nhiều năm trời để nghiên cứu kỹ bối cảnh, diễn biến, đặc thù của không quân…

Tiếp cận lịch sử không nhàm chán

Tại hội thảo “Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc” được tổ chức tại Đà Nẵng nhân sự kiện Liên hoan phim lần thứ XX năm 2017, rất nhiều đạo diễn nói rằng nhắc đến phim tài liệu, người ta nghĩ ngay đến chiến tranh. Cùng việc thiếu tính mới mẻ, mạo hiểm, thậm chí liều lĩnh trong cách kể chuyện càng khiến người xem thêm nhàm chán. Nhưng suốt gần một giờ của “Những cánh én đầu tiên”, chúng tôi không nhận thấy điều đó. Khán giả dán mắt vào màn hình, vì tò mò xem phim của trường đại học “tay ngang” có gì hay. Nhưng chắc chắn một điều, hình ảnh, âm thanh sống động, đối thoại chân thực thay cho những thước phim tài liệu truyền thống khô khan đã đem đến một cảm giác mới mẻ, lôi cuốn đến bất ngờ.

Chọn cách thể hiện phim tài liệu kết hợp hình ảnh minh họa 3D, ê kíp đã “trầy vi tróc vảy” bởi nhân lực thiếu thốn, mọi kỹ thuật, kỹ năng làm phim đều phải tự học. Nhiều câu chuyện kể ra đến dở khóc dở cười: Trên phim, cảnh phi công trong buồng lái điều khiển máy bay, phối hợp tác chiến trông thật đến vậy, thực ra các diễn viên ngồi trong thùng các-tông. Kỹ năng đánh đèn trong studio không thành thạo, đoàn phim mang cả thùng lẫn người ra giữa sân bóng dưới trời nắng 40 độ để quay cho có ánh sáng chân thực. “Diễn viên phi công mang trong người 2,3 lớp áo, có cả áo da nữa, người chảy mỡ ra. Làm xong cả đoàn thay nhau ốm”, Bảo Long, thành viên đoàn phim nhớ lại.

Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn cách làm phim này, đạo diễn Lê Nguyên Bảo tâm tình trong đầu anh vẫn luôn đặt ra câu hỏi người trẻ bây giờ có yêu mến lịch sử không. Người lớn cho rằng giới trẻ ít đọc sách, ít tìm tòi những sự kiện, nghĩa là không quan tâm đến lịch sử. “Mình nghĩ thời đại 4.0, phải tiếp cận lịch sử theo một cách khác, phải linh động, mềm dẻo hơn. Thay vì những trang sách toàn chữ là chữ, những hình ảnh khô khan thì mình làm phim tài liệu kết hợp hình ảnh minh họa 3D. Chắc chắn sẽ có sức hút”, anh nói.

Quả đúng vậy, trận chiến Hàm Rồng lên phim với thông tin chính xác, có người, có cảnh, có đối thoại và cách biểu đạt rất nghệ thuật khiến người xem lúc bị lôi cuốn, lúc hồi hộp, “căng não” như xem phim hành động, có lúc cảm xúc được đẩy tới độ rưng rưng bởi hình ảnh của quê nhà và bóng hình của người con gái hậu phương.

Đêm công chiếu đầu tiên kết thúc, những câu hỏi và sự quan tâm đến bộ phim liên tục được gửi tới ê kíp. Trong đó không ít từ những chiến sĩ, phi công. Anh Nguyễn Bá Hải, phi công trưởng một hãng hàng không, nói: “Làm phi công, ai cũng muốn đưa nhiều người cùng bay với mình để họ biết thêm về bầu trời, về nghề bay. Bộ phim này thay chúng tôi giúp mọi người biết rõ hơn điều đó vì lột tả rất chân thực. Cảm giác tự hào thường trực trong tôi theo suốt cả phim”.

Như tại Đà Nẵng, bộ phim khi chiếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ không bán vé. Đại học Duy Tân cho hay đây là dự án nhân văn, phi lợi nhuận, với mong muốn thật nhiều khán giả sẽ có thêm một cách tiếp cận lịch sử chân thực, sống động hơn. 

Ông Hồ Văn Quỳ, nguyên phi công Đoàn không quân Sao đỏ - người lái máy bay tiêm kích MiG-17 đánh trận đầu tiên trên vùng trời miền Bắc ngày 3/4/1965, xúc động:“Sau hơn nửa thế kỷ, trí nhớ của tôi đã kém, nhưng phim đã làm ngày hôm qua của chúng tôi sống lại. Hình ảnh bay trên không, phối hợp chiến đấu, đối mặt nguy hiểm giữa không trung khiến cảm xúc của tôi bị xáo trộn. Nhiều tư liệu của tôi được tái hiện lại bởi quân đội, nhà chuyên môn. Còn đây là sản phẩm “dân sự”, quả thực rất bất ngờ. Điều này làm tôi tin rằng, các bạn trẻ vẫn quan tâm và tự hào về lịch sử Tổ quốc”. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.