Trận chiến mạng giữa cảnh sát Anh và thánh chiến Hồi giáo

IS đưa hình ảnh lên Twitter.
IS đưa hình ảnh lên Twitter.
Một cuộc chiến dai dẳng đang diễn ra hàng ngày trên Internet. Đó là cuộc chiến trực tuyến với một bên là đội chuyên gia của Sở Cảnh sát London (Anh), còn bên kia là các chiến binh cực đoan Hồi giáo thường xuyên đưa lên Internet các video tuyên truyền mà trong đó ghê tởm nhất là hình ảnh chặt đầu con tin.

Một chuyên gia của Đội Chống khủng bố trực tuyến (CTIRU) của Sở Cảnh sát London cho biết, thách thức của công việc có thể gọi là "mèo vờn chuột" này: "Chúng tôi gỡ xuống những nội dung độc hại, và rồi bọn chúng tiếp tục đưa thêm thứ rác rưởi khác lên. Chúng tôi  không muốn giới trẻ tiếp xúc với những nội dung cực đoan trên Internet để rồi sau đó chia sẻ với nhau ngay trong trường học thông qua các nền tảng trực tuyến".

Mỗi thành viên của đội được giao nhiệm vụ xử lý một nhóm thánh chiến trực tuyến khác nhau để có thể nắm bắt được cách phản ứng của chúng - cụ thể là bọn chúng đưa lên mạng các video như thế nào và ở đâu - và sau đó nhanh chóng gỡ bỏ. Các chuyên gia cho rằng: "Các nhóm thánh chiến trực tuyến này biết chúng tôi săn đuổi ráo riết cho nên chúng thường xuyên di chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác.

Vào thập niên 90 thế kỷ trước, bọn khủng bố đã biết lợi dụng Internet để xây dựng cỗ máy tuyên truyền. Đầu tiên là ở Iraq, tổ chức Al-Qaeda quay phim những cuộc tấn công của chúng rồi đưa lên Internet. Tuy nhiên, khi đó Al-Qaeda phải nhờ đến những người thông thạo kỹ thuật để quảng bá hình ảnh của chúng trên Internet. Đến năm 2005, thế giới mới của truyền thông xã hội bắt đầu nổi lên với các nền tảng như YouTube và Twitter khiến cho việc giao tiếp trực tuyến trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.

Các chuyên gia dự đoán, thánh chiến Hồi giáo trực tuyến sẽ là cuộc chiến tranh trong tương lai. Do đó sự đối đầu giữa nhà nước với các công ty truyền thông xã hội - như Facebook và Twitter - bị buộc tội là cung cấp đất sống cho bọn khủng bố sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Robert Hannigan, Giám đốc Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ), tuyên bố trên tờ Financial Times rằng các công ty này đang "trở thành các mạng lựa chọn của bọn khủng bố và tội phạm". Trong khi đó, các công ty công nghệ cho rằng họ xử lý nội dung cực đoan trên nền tảng của mình rất hiệu quả. Google tuyên bố họ nhận được khoảng 1.000 báo cáo mỗi ngày về các nội dung được cho là độc hại và nhanh chóng gỡ bỏ chúng.

Google cũng lập luận rằng, họ không thể xét duyệt nội dung trước khi nó được đưa lên mạng. Victoria Grand, Giám đốc Chính sách công chúng của Google, phát biểu: "Chúng tôi có 300 giờ video được đưa lên mỗi phút, cho nên ý tưởng chủ động xem trước không khác nào việc yêu cầu các công ty điện thoại duyệt qua mỗi cuộc gọi trước khi chúng được thực hiện". Bởi vì, như Google giải thích, không thể có được công cụ giám sát tự động như thế. Google cũng cho biết họ không muốn gỡ bỏ mọi thông tin liên quan đến các tổ chức khủng bố như là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đơn giản vì việc làm đó có thể xóa bỏ những nội dung báo chí chống lại chúng.

Các nền tảng khác cũng đưa ra sự khó khăn trong xử lý nội dung cực đoan. Như là trang web hỏi - đáp tự động Ask.fm, nền tảng được giới trẻ sử dụng rộng rãi và đương nhiên bao gồm cả những người đưa lên thông tin về thánh chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Annie Mullins, cố vấn an ninh cho Ask.fm, nhận định: "Ask.fm có 28 triệu câu hỏi một ngày, cho nên việc duyệt trước nội dung rõ ràng là không thực tế và tôi nghĩ các nền tảng khác cũng vậy. Một tài khoản Ask.fm tư vấn cách gia nhập IS ở Iraq, cũng như vũ khí gì có thể được trang bị khi đến nơi. Nhưng, Ask.fm nhấn mạnh trang web không cho phép đưa lên những nội dung thúc đẩy bạo lực và hoạt động tội phạm. Người phát ngôn của Ask.fm nói rằng: "Trang web sẵn sàng hợp tác với các cơ quan hành pháp khi được yêu cầu trong khuôn khổ cuộc điều tra chính thức". Tuy nhiên, các tài khoản thánh chiến vẫn tồn tại trên Ask.fm.

Các trang mạng xã hội khác, nhất là Facebook và YouTube, thành công hơn trong việc gỡ bỏ nội dung cực đoan. Facebook cấm các tổ chức khủng bố và phần tử cực đoan đưa thông tin lên trang và sẵn sàng gỡ bỏ nội dung khi có phản ứng từ người dùng. Mặc dù vậy, nhiều tài khoản bị các công ty truyền thông xã hội xóa bỏ vẫn tiếp tục quay trở lại dưới một cái tên khác và chiến binh cực đoan thông báo việc di chuyển sang nền tảng khác.

Người phát ngôn của Twitter cho biết, công ty cấm nội dung đe dọa bạo lực hay "thúc đẩy các hoạt động bất hợp pháp" và luôn xóa nội dung đưa lên trang khi phát hiện vi phạm các quy định. Do đó, nhiều chiến binh cực đoan trên Twitter hướng người dùng đến các tài khoản Kik - dịch vụ thông điệp cá nhân tương tự WhatsApp và Blackberry Messenger cho phép người dùng tạo những cuộc đối thoại theo nhóm. Kik - với 120 triệu người dùng - cũng được sử dụng để gửi những thông điệp cá nhân miễn phí.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG