Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh quân đội động viên đội Thể Công trước trận với đội Thanh niên CHDC Đức tháng 2/1977
Mặc dù đang trong thời điểm chiến tranh khốc liệt nhưng ngày 2/9/1970, ta và Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng chiến tạm thời để người dân vui tết Độc lập. Nhân dịp ấy một trận đấu giao hữu được tổ chức trên sân Hàng Đẫy giữa Thể Công và ĐTQG Cuba.
Người Hà Nội háo hức mong chờ trận đấu này. Đã từ lâu rồi họ “đói” bóng đá (Trong những năm chiến tranh, giải vô địch miền Bắc phải dời về thi đấu ở các vùng quê hẻo lánh để tránh bom Mỹ). Ông Tiến, một khán giả cao niên, nhà ở phố Yên Ninh kể: “Đi đâu cũng nghe người ta bàn tán, nhận định, bình luận sôi nổi. Không khí trận đấu nóng lên từng giờ. Vé chợ đen tăng cao đến mức chóng mặt, tôi phải đổi một chiếc đồng hồ Pôn giốt (trị giá cả chỉ vàng) mới có được tấm vé vào sân”.
Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải nhớ lại: Các cầu thủ Thể Công ai cũng háo hức và mong có được vị trí chính thức. Trước ngày thi đấu, chúng tôi được đón hai vị tướng Vương Thừa Vũ và Cao Văn Khánh đến thăm. Tướng Vương Thừa Vũ nói: Tôi chúc các đồng chí khỏe, đá đúng đấu pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gửi lời hỏi thăm động viên các đồng chí và căn dặn như sau: đội Cuba đại diện cho nhân dân Cuba sang thăm chúng ta giữa lúc chiến tranh ác liệt thế này thật đáng quý. Họ là những người bạn thân của nhân dân Việt Nam bởi vậy ta phải đá hữu nghị. Hữu nghị là gì? Là phải quyết thắng, phải thi đấu hết sức mình, không cay cú, không ác ý. Bạn ngã, ta nâng. Các đồng chí phải cùng các cầu thủ Cuba đá thật đẹp, thật hay chào mừng Quốc khánh 2/9.
Ngày thi đấu, khán giả ngồi chật kín sân Hàng Đẫy, tràn cả ra đường piste. Ngoài đường phố, người hâm mộ vây kín các cột điện nơi có loa phóng thanh tường thuật trực tiếp trận đấu. Cả Hà Nội như lên cơn sốt khi các cầu thủ Thể Công và Cuba bước ra sân.
Các cầu thủ Cuba vượt trội hơn chúng ta về hình thể. Họ tận dụng điều đó để ép sân ngay từ những phút đầu. Khi mà Thể Công còn đang vất vả chống đỡ thì trời đột nhiên đổ cơn mưa xối xả. Sân trơn, bóng ướt càng mang đến lợi thế cho đội bóng có thể hình cao lớn, thể lực tốt, khả năng tranh chấp trên không vượt trội. Trung phong Maso của Cuba đã ghi 2 bàn trong hiệp 1 đều từ những tình huống lúng túng của hàng thủ Thể Công.“Đi đâu cũng nghe người ta bàn tán, nhận định, bình luận sôi nổi. Không khí trận đấu nóng lên từng giờ. Vé chợ đen tăng cao đến mức chóng mặt, tôi phải đổi một chiếc đồng hồ Pôn giốt (trị giá cả chỉ vàng) mới có được tấm vé vào sân”- Ông Tiến nói
Khán giả đội mưa xem nhưng không ai ra về. Đã lâu họ không được chứng kiến một trận đấu quốc tế trong tình hữu nghị thắm thiết như vậy. Họ hy vọng các cầu thủ Thể Công sẽ nỗ lực hơn trong hiệp 2 khi mà trời đã tạnh hẳn mưa, sân còn trơn nhưng không đọng nước.
Ông Vũ Mạnh Hải kể: Giờ nghỉ giữa hiệp, HLV Mười Tiền chỉ đạo chúng tôi đẩy cao đội hình, chấp nhận chơi pressing toàn sân, nhồi nhiều bóng hỗ trợ Thế Anh (Ba Đẻn) ở phía trên. Chiến thuật này tỏ ra có tác dụng khi mà các cầu thủ Cuba trong hiệp 2 có vẻ chủ quan sau khi đã dẫn trước tới hai bàn. Phút 70, Thái Nguyên Bền đi bóng xuống sát đường biên ngang và tạt vào trong rất đẹp, bóng đi ngang mặt các cầu thủ to cao bên phía đội bạn. Một bóng áo đỏ (màu áo truyền thống của Thể Công) bật lên đúng tầm dùng đầu đưa trái bóng găm thẳng vào góc lưới. Cả sân Hàng Đẫy như vỡ òa trong những tiếng hò reo vang dậy đất. Ba Đẻn! Ba Đẻn!... Tỷ số được rút ngắn xuống 1-2 và niềm hy vọng lại thắp lên với các cầu thủ Thể Công.
5 phút sau đó, Thể Công được hưởng quả phạt đền khi Nguyễn Viết Cầu bị phạm lỗi trong vòng cấm địa. Phan Văn Mỵ-chuyên gia đá phạt- bình tĩnh bước lên chấm 11m và đưa bóng vào lưới với cú sút chính xác vào góc trái. 2-2. Lại một lần nữa cả Hà Nội như rung chuyển bởi những tiếng hò reo, phấn khích. Khán giả trên sân Hàng Đẫy đứng cả dậy, ôm nhau, nhảy múa. Dường như ai cầm cái gì trên tay là tung hết lên trong niềm vui sướng tột đỉnh.
Nhưng chưa dừng lại ở đó. Các cầu thủ Thể Công đã làm được một cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ trong trận đấu lịch sử này. Trận đấu chỉ còn 2 phút. Một đường phất bóng dài từ sân nhà tìm đến đúng vị trí Ba Đẻn. Một bóng hậu vệ Cuba lao tới, Ba Đẻn khẽ chích mũi giày cho trái bóng nhẹ qua rồi lật nhanh vào trong. Một bóng áo đỏ nhanh hơn tất cả, như một mũi tên lao vào đệm bóng tung lưới thủ môn Cuba. Vào rồi! Vào! Hoan hô Cầu “điên”! Nguyễn Viết Cầu ghi bàn! Khó có thể tả được cảm xúc của các khán giả cũng như các cầu thủ Thể Công trên sân lúc đó. Họ đã đi đến tột cùng của niềm vui sau chiến thắng đầy quả cảm trong một trận đấu có ý nghĩa lớn lao. Một chiến thắng như mơ, một trận cầu để đời trên sân Hàng Đẫy trong ngày Quốc khánh thứ 25 của nước Việt Nam.
Trận đấu đã kết thúc nhưng các cầu thủ chưa thể về doanh trại huấn luyện. Cả biển người vây chật kín sân Hàng Đẫy để chúc mừng chiến thắng lịch sử này khiến chiếc xe ca 40 chỗ chở các cầu thủ không thể di chuyển. Vì từ sân Hàng Đẫy về sân Cột Cờ khá gần nên các cầu thủ Thể Công quyết định xách giày đi bộ trong tiếng hò reo của người hâm mộ.
Đến ngã tư Nguyễn Thái Học-Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng bây giờ) đoàn người sững lại khi chiếc xe Volga đen chầm chậm đi tới. Loáng thoáng có tiếng hô “Xe của Đại tướng”, “Hoan hô Đại tướng”, “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp”…Đám đông vừa hô vừa kéo đến vây lấy chiếc xe trong sự kính nể tự hào. Cửa kính ô tô kéo xuống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vươn mình đưa tay vẫy chào mọi người. Đại tướng chầm chậm bước xuống xe. Đoàn người giãn ra rất trật tự để các cầu thủ Thể Công tiến lại lần lượt từng người bắt tay Đại tướng. Những tiếng hô lại rền vang. “Hoan hô Đại tướng”, “Hoan hô Thể Công”, “Thể Công của Đại tướng đã thắng rồi”, “Lính của anh Văn đã thắng rồi”….
Lâu lắm rồi Hà Nội mới có một ngày vui, ý nghĩa mà bình yên đến thế giữa những năm tháng bom đạn ác liệt của chiến tranh.
Hà Thành
* Bài viết có sử dụng một số tư liệu, hình ảnh trong cuốn hồi ký “Tôi là cầu thủ bóng đá Thể Công” của cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải