Đến cuối chiều qua (7/1) sự cố tràn bùn thải do vỡ cống của hồ thải Công ty TNHH CKC (Bảo Lâm, Cao Bằng) đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại, nước sông Gâm sẽ bị nhiễm chì - thứ kim loại nặng cực độc. Từ đó ảnh hưởng lâu dài lên sức khỏe con người thông qua nước mặt, nước ngầm cũng như nguy cơ hệ thực vật, động vật nhiễm chì.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), chiều 5/1, tại khu vực khai thác, sơ chế quặng chì, kẽm của Công ty TNHH CKC tại xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng xảy ra sự cố vỡ cống tại điểm đầu hệ thống thoát nước thải của hồ chứa bùn thải.
Hơn 2.000 m3 bùn, nước thải đã tràn ra môi trường. Nước thải theo suối đổ ra sông Gâm còn bùn thải tràn ra khu vực có diện tích 1.000 m2 là đồng ruộng không có hoa màu. Khi sự cố xảy ra, Công ty TNHH CKC đã ngừng sản xuất, huy động người và phương tiện khắc phục sự cố, dùng các tấm lưới sắt đưa xuống khu vực cống bị sụt, sau đó đổ đá, bao cát xuống lấp cống, ngăn không cho bùn thải thoát ra ngoài.
Tính đến chiều qua (7/1), bùn thải và nước thải không còn rò rỉ ra môi trường, công nhân công ty cũng đã thu gom được hơn 100m3 bùn thải ngoài môi trường, đưa trở lại khu vực chứa thải.
Ảnh hưởng đến môi trường thế nào?
Theo ông Tùng, điều lo ngại nhất nước thải chảy ra sông Gâm khiến nước sông Gâm có nguy cơ nhiễm chì. Tổng cục Môi trường đã lấy mẫu nước về phân tích. Tuy nhiên, theo ông Tùng, công nghệ Công ty CKC sử dụng là tuyển nổi, chì tồn tại dưới dạng chì sunfua, không hòa tan trong nước nên nguy cơ nồng độ chì trong nước có thể không cao. Tuy nhiên, phải chờ kết quả phân tích mới đưa ra được kết luận cuối cùng.
Một chuyên gia am hiểu sâu về bùn thải quặng cho biết, dù mức độ như thế nào thì sự cố tràn bùn thải ở Cao Bằng cũng rất nguy hiểm. Sự cố xảy ra ở Cao Bằng, ở độ cao tương đối với mặt nước biển nên có khả năng phát tán xa. Bùn, nước thải lại chứa chì và kẽm - hai kim loại nặng rất độc, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Chuyên gia này cho biết, quặng tồn tại trong đất thì không vấn đề gì nhưng khi tuyển quặng thì chì, kẽm chuyển sang trạng thái hoạt động, dễ di chuyển sang chỗ này chỗ khác. Khi chì đi vào đất, nước sẽ ảnh hưởng đến hệ động vật, thực vật trong khu vực. Con người sử dụng trực tiếp nước nhiễm chì hoặc động vật, thực vật nhiễm chì thì hóa chất độc hại này sẽ vào cơ thể và gây ra những tác động nguy hiểm. Việc khắc phục chì trong đất, nước mặt, nước ngầm mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.
Có thể do rung chấn địa chất
Theo ông Trương Xuân Quyền, Phó giám đốc Công ty TNHH CKC, hồ chứa thải nói trên đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất lâu dài. Trên thực tế, hồ này đã hoạt động ổn định 7 năm kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, chưa hề xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại các tỉnh miền núi và xung quanh khu vực nhà máy xuất hiện những đợt rung chấn nhỏ, rất có thể những đợt rung chấn này là nguyên nhân dẫn đến vỡ cống đập, gây nên sự cố nói trên. “Chúng tôi đang mời các chuyên gia thủy lợi đến tìm hiểu nguyên nhân và tìm phương án khắc phục hữu hiệu nhất”, ông Quyền cho biết.
Ông Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc Sở TNMT Cao Bằng cho biết, sau khi kiểm tra, Đoàn làm việc đã chỉ đạo công ty huy động hết lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục sự cố, theo dõi chặt chẽ tình hình, có biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân, di dời các hộ dân sống gần cống thải, nắn dòng không để nước chảy qua khu vực đã bị ô nhiễm bùn thải. “Về nguyên nhân dẫn đến sự cố, chúng tôi đang tiếp tục điều tra, không loại trừ nguyên nhân do rung chấn, động đất”, ông Hải nói.
Một chuyên gia am hiểu sâu về bùn thải quặng cho biết, dù mức độ như thế nào thì sự cố tràn bùn thải ở Cao Bằng cũng rất nguy hiểm. Sự cố xảy ra ở Cao Bằng, ở độ cao tương đối với mặt nước biển nên có khả năng phát tán xa. Bùn, nước thải lại chứa chì và kẽm – hai kim loại nặng rất độc, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chuyên gia này cho biết, quặng tồn tại trong đất thì không vấn đề gì nhưng khi tuyển quặng thì chì, kẽm chuyển sang trạng thái hoạt động, dễ di chuyển sang chỗ này chỗ khác. Khi chì đi vào đất, nước sẽ ảnh hưởng đến hệ động vật, thực vật trong khu vực. Con người sử dụng trực tiếp nước nhiễm chì hoặc động vật, thực vật nhiễm chì thì hóa chất độc hại này sẽ vào cơ thể và gây ra những tác động nguy hiểm. Việc khắc phục chì trong đất, nước mặt, nước ngầm mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.