Đạo diễn Trần Bình Trọng:

Trần Bình Trọng: 'Hài ở Việt Nam vẫn còn nhiều điều... khó nói'

0:00 / 0:00
0:00
Những gameshow hài nhảm dễ dãi, kém chất lượng như sản phẩm “mỳ ăn liền”
Những gameshow hài nhảm dễ dãi, kém chất lượng như sản phẩm “mỳ ăn liền”
TP - Vài năm trở lại đây, chất lượng nghệ thuật biểu diễn hài Việt Nam đang có dấu hiệu đi xuống. Xuất hiện nhiều phim hài nhảm, hài nhạt; tràn lan gameshow hài kém chất lượng.?Đối diện với thực trạng này đạo diễn, diễn viên Trần Bình Trọng đã có những chia sẻ.
Trần Bình Trọng: 'Hài ở Việt Nam vẫn còn nhiều điều... khó nói' ảnh 1
Đạo diễn, diễn viên Trần Bình Trọng

Những áp lực của nghệ sỹ khi làm nghề thế nào, thưa anh?

Bất kể lĩnh vực nào cũng vậy thôi, khi đã có một chỗ đứng nhất định trong nghề ai cũng sẽ có những áp lực. Lúc nào tôi cũng phải trau chuốt hình ảnh của mình. Tôi nghĩ việc ta chỉn chu trong từng lời ăn tiếng nói hay phong cách thường ngày chính là sự tôn trọng khán giả.

Quan điểm của anh khi dường như hài ngày nay chỉ tập trung vào lợi nhuận và lượt view mà bỏ qua những giá trị nghệ thuật cần thiết?

Chỉ cần chút năng khiếu và các thiết bị hỗ trợ, ngày nay ai cũng có thể làm ra tác phẩm hài. Tuy nhiên nhiều người làm hài tự phát đang bị cuốn vào xu thế câu view, câu like kiếm lợi nhuận trên các nền tảng mạng xã hội. Còn chúng tôi, những nghệ sỹ trong nghề làm việc cho những hãng phim chính thống, luôn đề cao chất lượng nội dung lên hàng đầu.

Phải chăng tác động từ nhà tại trợ đã khiến hài bị “thương mại hóa”, được sản xuất hàng loạt như “mỳ ăn liền” dễ dãi và kém chất lượng?

Một hợp đồng quảng cáo thành công được tính bằng số lượng người biết tới, việc nhiều hãng phim cho ra hàng loạt sản phẩm “mỳ ăn liền” là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Dẫu vậy vẫn có những nhà đầu tư tâm huyết với hài, họ chọn một lối đi khác. Tôi đã từng làm việc với nhiều nhà tài trợ, yếu tố đầu tiên họ nhắc tới là không chấp nhận những sản phẩm dễ dãi. Nhưng nay khi các phương tiện truyền thông xã hội trở nên phổ biến, con số những người này giảm đi đáng kể.

Có đúng khi nói rằng diễn viên hiện nay là “tấm bia đỡ” cho các kịch bản kém chất lượng?

Nếu một sản phẩm kém chất lượng, lỗi hoàn toàn thuộc về đạo diễn và nhà sản xuất, diễn viên hoàn toàn vô tội trong câu chuyện này. Kể cả khi diễn viên đó diễn xuất chưa thành công, người đạo diễn cũng cần phải xem lại nghiệp vụ của mình. Tôi cho rằng những nhà sản xuất phim, đạo diễn nói chung hiện nay cần thể hiện trách nhiệm với nghề nhiều hơn nữa.

Làng Ế Vợ và Đại Gia Chân Đất đều là những series phim kéo dài nhiều năm, hãng phim Bình Minh đã gặp phải những thách thức gì và làm cách nào để “vượt kho”?

Năm 2011 tôi cho ra mắt phim “Đại Gia Chân Đất”, những năm đầu đoàn làm phim gặp vô vàn khó khăn. Tôi còn nhớ lúc đó mình phải mang sản phẩm của mình đến từng doanh nghiệp để tìm những hợp đồng tài trợ. Các bộ phim ngày đó được phát trên các đầu đĩa DVD, DVC; còn quảng cáo được thêm 10,15s vào đầu hoặc cuối phim. Đến một vài năm gần đây, các hãng đĩa gần như “tuyệt chủng”, phim hài buộc phải đẩy lên các nền tảng miễn phí như mạng xã hội khi đó nguồn thu bị hụt đi đáng kể. Lúc này chỉ còn quảng cáo là nguồn thu duy nhất của phim, tôi đã phải khéo léo thêm quảng cáo vào các tình tiết phù hợp để chất lượng của sản phẩm không bị ảnh hưởng.

Những chân dài khoe da thịt, những nhân vật với ngoại hình quá lố hay cả những quảng cáo lộ liễu? anh có nghĩ các tình tiết đó đang làm giảm chất lượng phim của chính mình?

Tôi luôn luôn đưa yếu tố giải trí lên hàng đầu trong những tác phẩm hài của mình và tôi cho rằng các tình tiết như vậy trong phim hoàn toàn hợp lí. Ngoại hình quá lố của nhân vật cũng chỉ để mục đích gây cười cho khán giả. Về “cảnh hở” tôi khẳng định là giữ đúng quy định. Còn không có quảng cáo thì chẳng có được doanh thu, tôi không thể bán nhà đi làm phim được, mà nhà đâu để bán mãi. Tôi chấp nhận sản phẩm của mình có người yêu, người ghét, nếu sản phẩm của tôi vi phạm những chuẩn mực nào đó đã có những cơ quan chức năng xử lý.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm hài của mình, anh có tính đến những phương án mang tính lâu dài như thoát ly khỏi quảng cáo hay tạo thêm những yếu tố gây cười khác?

Không phải tôi chưa tính đến những phương án khác, nhưng đôi khi hài ở Việt Nam vẫn còn những quy tắc bó buộc, những điều khó nói. Có những chủ đề khai thác rất tốt tuy nhiên lại vướng vào những câu chuyện nhạy cảm, hoặc được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Bởi thế tôi luôn phải cân nhắc rất kỹ trong các tác phẩm của mình, làm sao để tạo ra những điểm nhấn mới mà vẫn phù hợp với các chuẩn mực được đề ra.

Huyền thoại Charles Chaplin từng nói: “Để thật sự cười, anh phải có thể lấy nỗi đau của mình ra và chơi với nó!”. Những tiếng cười bất tử mà Charles Chaplin đem đến từ 100 năm trước tới nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị, bởi đó một thứ nghệ thuật biểu diễn hài tận hiến của người nghệ sỹ đích thực. Mặt khác, khán giả cũng cần phải yêu cầu cao với hài. Hài nhạt, hài nhảm, vì đâu nên nỗi. Đừng để tiếng cười dễ dãi của chúng ta ngày hôm nay trở thành một nỗi đau im lặng về sau.

Mục đích của khán giả khi xem hài là họ muốn tìm tiếng cười, niềm vui nhưng nhiều khán giả xem hài giờ đây không chỉ để giải trí, để cười mà còn muốn nhìn thấy những mặt trái, mặt xấu của xã hội đã bị tiếng cười bóc mẽ như thế nào. Cá nhân anh nghĩ gì về nhu cầu đó và liệu anh có muốn chuyển hướng sang tiếng cười phê phán, trào phúng xã hội hôm nay không?

Khi xem series phim “Đại gia chân đất” các bạn có thể thấy, những tình tiết trong phim đều là những câu chuyện cần lên án, những mặt trái của xã hội được tôi đưa vào qua từng nhân vật. Tôi luôn cố gắng cop nhặt những câu chuyện có thật để tạo nên một bộ phim, qua đó phê bình những thói hư tật xấu của ngoài xã hội. Tôi muốn làm sao để tác phẩm của mình có thể nói về cái bi trong đó, những góc khuất lắng đọng sâu cay, đôi khi khán giả xem phải bật khóc về hiện thực được nhắc tới.

Các nội dung hài đang dễ dàng bị sao chép, anh có những hành động nào để bảo vệ tác phẩm của mình?

Cơ chế tác quyền hiện nay vẫn còn tương đối phức tạp. Như đã nói, giờ đây ai cũng có thể làm hài và những người làm nghề chính thống như chúng tôi gặp phải rất nhiều thiệt thòi. Hằng năm hãng phim của tôi phải đóng rất nhiều khoản thuế dẫu vậy các sản phẩm lại chưa được bảo vệ đúng mức. Tôi hy vọng các cơ quan có thẩm quyền cần có những động thái cụ thể và rõ ràng hơn để có thể kiểm soát những nội dung đang bị sao chép tràn lan trên mạng xã hội.

Vậy tương lai nào cho hài, thưa anh?

Nói một cách công tâm, lượng khán giả xem hài ngày nay đang có xu hướng giảm. Người làm hài cần phải có những thích nghi để có thể trụ lại và phát triển. Thế hệ của tôi có thể nói là đang chững lại dẫu vậy tre già măng mọc. Tôi hy vọng thế hệ trẻ có thể phát triển được những giá trị của hài đương đại. Hài luôn có đất để sống và vẫn là một nét giải trí lành mạnh.

Sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật hài biểu diễn, đến giờ phút này nhìn lại, anh có tự bằng lòng với những vai diễn và bộ phim của mình không?

Tôi hoàn toàn bằng lòng với những gì mình đang có. Dù rằng như đã nói thế hệ của chúng tôi giờ đây đang có xu hướng chững lại, nhưng nhìn lại quãng thời gian làm nghề tôi thỏa mãn những vai diễn và những bộ phim của mình.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.