Chiều 31/8 (rằm tháng 7), nhiều gia đình tại TP.HCM, trong đó chủ yếu là người Hoa ở Chợ Lớn làm lễ cúng cô hồn cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn buôn bán thuận buồm xuôi gió.
Mâm lễ được họ chuẩn bị chu đáo gồm bộ tam sên tượng trưng cho Thổ - Thủy - Thiên và gạo, muối, mía có ý nghĩa dành cho vong hồn vất vưởng được ăn no bụng, sẽ mang lại may mắn cho gia chủ, nhất là những người làm ăn kinh doanh.
Ngay từ 15h, hàng chục thanh niên có mặt tại vòng xoay Phùng Hưng (quận 5) để chờ cướp đồ cúng và tiền lộc (còn gọi là giật cô hồn).
Trong số này phần lớn là thanh niên, họ chuẩn bị sẵn vợt để vớt được nhiều tiền lộc.
Để tránh trường hợp hương chưa tàn đã bị nhóm người này lấy hết các lễ vật mang đi, ngay sau khi cúng xong, gia đình nhà ông Trí phải nhanh chóng chuyển đồ lễ vào trong.
Ngoài gạo, muối, thịt... gia chủ còn chuẩn bị tiền lẻ để rải sau khi xong lễ cúng.
Để đảm bảo an ninh trật tự, công an phường đã yêu cầu chủ nhà không rải tiền, thay vào đó phát theo thứ tự xếp hàng. Tuy nhiên, khi tiền được phát ra, các thanh niên liền lao vào xô đẩy, ai cũng cố gắng giành được nhiều lộc.
Đám đông đã khiến giao thông khu vực này hỗn loạn, có người đi xe máy bị ngã vạ lây.
Thành quả sau khoảng 15 phút tranh giành đồ cúng cô hồn của một thanh niên.
Bất chấp cơn mưa đổ xuống, những người giật tiền sau đó tiếp tục di chuyển khắp con đường, ngõ hẻm để kiếm thêm.
Nhiều người dân cũng hào hứng đổ tới đây để livestream về tục giật cô hồn kỳ lạ này.
"Tôi vô tình đi ngang qua, thấy lạ, rất tò mò nên cũng ghé vào xem", một du khách Ninh Bình nói.
Kết thúc lễ cúng cô hồn, người dân đốt vàng mã, rải gạo và đổ rượu ở lề đường. Họ quan niệm lễ nghi này sẽ cứu giúp linh hồn khốn khổ, vất vưởng, lang thang không có nơi thờ. Các gia đình cúng lễ này là hộ kinh doanh, buôn bán. Họ làm vậy với quan niệm để các cô hồn không quậy phá. Công việc kinh doanh càng lớn thì lễ càng hậu hĩnh để lấy may.