Trăm năm cải lương: Vì sao hay vẫn ế khách?

NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương trong vở "Đời cô Lựu."ảnh: T.L
NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương trong vở "Đời cô Lựu."ảnh: T.L
TP - Một ngày cuối năm, NSND Bạch Tuyết bỗng gọi điện thoại cho người viết. Cuộc điện thoại kéo dài cả tiếng đồng hồ và chỉ nói về cải lương. Gắn bó cả đời với cải lương (được gọi là Cải lương chi bảo), là người duy nhất có bằng tiến sỹ về nghệ thuật sân khấu, TS.NSND Bạch Tuyết luôn có góc nhìn mới mẻ về cải lương. 

Năm nay kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển sân khấu cải lương. Với NSND Bạch Tuyết, ngoài niềm vui chung như các nghệ sỹ khác, chị có cảm xúc gì riêng hay không?

 Có chứ! Tôi cũng đi dự hội thảo “Gìn giữ và bảo tồn cải lương như thế nào” hay “Làm gì để phát triển sân khấu cải lương”… Phát biểu, giải pháp nhiều, nhưng đọng lại chưa có cái gì cụ thể. Rất ngạc nhiên, 100 năm sân khấu cải lương mà không ai nhắc tới một vấn đề lớn, đó là cải lương 100 năm tuổi thì có tới 80 năm gắn liền với lịch sử giữ nước, chống giặc ngoại xâm, đồng hành với dân tộc.

NSND Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh năm 1945 tại An Giang. Năm lên 9 tuổi Bạch Tuyết đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc khi đi hát tân nhạc tại các đêm văn nghệ địa phương. Năm 1961, Bạch Tuyết xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu cải lương với vai cô lái đò trong vở Lá thắm chỉ hồng của đoàn hát Kiên Giang. Năm 1964, Bạch Tuyết nhân giải Thanh Tâm cho diễn viên triển vọng, năm 1964, nhận giải Thanh Tâm cho Nghệ sỹ xuất sắc. Với nhiều vai diễn xuất sắc, bà đã được giới chuyên môn gọi là “Cải lương chi bảo”.
Năm 1988, Bạch Tuyết được trao tặng danh hiệu NSƯT, năm 2012, được trao tặng danh hiệu NSND. NSND Bạch Tuyết tốt nghiệp khoa đạo diễn tại Viện hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh Hungari năm 1988; năm 1995 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á”. 

Năm 1918 đánh dấu sự ra đời của cải lương bắt nguồn từ vở cải lương “Pháp Việt nhứt gia” lần đầu tiên được trình diễn tại Nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một cải cách lớn của tri thức yêu nước nhằm tuyên truyền cho người Việt những tư tưởng tiến bộ thông qua các tuồng tích cải lương. Rồi sau đó, có rất nhiều vở diễn ca ngợi anh hùng dân tộc, chống giặc ngoại xâm như: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa… Thân phận cùng cực, tiếng kêu ai oán của người dân dưới chế độ thực dân cũng được đưa lên sân khấu như Đời cô Lựu, Lá sầu riêng, Nửa đời hương phấn… 

Năm 1955, vở diễn Lấp sông Gianh lên án việc chia đôi đất nước đã bị ném lựu đạn khiến nhiều nghệ sỹ thương, vong. Năm 1978 sau khi diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga ca ngợi tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, nghệ sỹ Thanh Nga cùng chồng đã bị bắn chết. Đó cũng là thời điểm tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng…

Trăm năm cải lương: Vì sao hay vẫn ế khách? ảnh 1 TS.NSND Bạch Tuyết

Trăm năm hình thành, phát triển, cải lương gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống lại chế độ đô hộ của thực dân cũng như chống lại ách xâm lăng của ngoại bang. Cải lương góp phần rất xứng đáng trong sự nghiệp đấu tranh đầy vinh quang, vẻ vang đó. 

Hiện nay số đoàn hát cải lương đang giảm dần, sân khấu cải lương vắng khách, nghệ sỹ phải làm thêm để kiếm sống. Chị giải thích điều đó như thế nào?

So với Tuồng, Chèo, nhạc Lễ… cải lương ra đời sau nhưng lại hội tụ những cái hay cái đẹp của nhiều bộ môn nghệ thuật. Có một thời gian cải lương sống huy hoàng bởi nó được thổi vào đó những tâm tư, tình cảm khát vọng của con người. 

Cách đây 30, 40 năm, người ta chỉ uống cà phê ở vỉa hè hay xem phim trong những rạp phim cũ kỹ. Nhưng giờ đây bạn có thể uống cà phê ở nơi sang trọng, có thể xem phim ở một rạp phim hiện đại. Cải lương đã làm được như thế chưa? Hay là vẫn phải diễn trong các sân khấu cũ kỹ và các vở diễn cũng cũ. Vậy sao đòi hỏi khán giả phải mua vé vào xem thứ vừa cũ kỹ vừa xa lạ với cuộc sống như thế? Nói vậy không có nghĩa là đầu tư rạp cao cấp, sang trọng, vở đầu tư nhiều tiền thì có thể kéo khán giả đến với cải lương. Cải lương có những đặc thù riêng và cần phải có hướng đi riêng.

Hiện nay cải lương vẫn được quần chúng yêu thích: Người ta vẫn hát cải lương ở mọi nơi, các chương trình truyền hình thực tế vẫn chọn cải lương để dàn dựng. Tại sao lại thế?

Vì cải lương hay. Hay thì người ta mới thích, mới nghe, mới thuộc nằm lòng vài câu hát hay trích đoạn. Không có chiến lược phát triển thì cải lương vẫn sống, vẫn hiện diện nhiều nơi bởi tự thân cải lương đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. 

Chị đã từng làm clip mang tính cách tân cải lương như Em gái mưa và bị ném đá khá nhiều? Đó có phải là làm mới cải lương?

Đúng, tôi đã hát Em gái mưa phiên bản cải lương và bị ném đá khá nhiều. Nhưng ít ai để ý là số người ủng hộ tôi còn nhiều hơn nữa. Những người phản đối cho rằng cải lương phải giữ truyền thống, bản sắc, nhưng có ai chịu nghĩ cái tên Cải lương bao hàm ý nghĩa “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Bài Dạ cổ hoài Lang ban đầu 2 nhịp, sau được cải biên thành 4 nhịp, 8 nhịp rồi 16 nhịp, trở thành bài Vọng cổ ngày nay... 

Tôi không nghĩ bản cover Em gái mưa của tôi hay bản cover Vợ người ta của anh Minh Vương có thể làm thay đổi hay là sự đột phá cải lương. Nhưng chỉ một đêm clip đã thu hút cả chục ngàn người xem cũng là điều đáng suy ngẫm. Tuổi trẻ hiện nay có quá nhiều thứ để xem, để giải trí. Họ bơi giữa đại dương đó mà không biết đâu là bờ. Tạo ra sức hút với giới trẻ để họ hướng tới cũng là điều nên làm.

Về lâu dài, cải lương phải mang được hơi thở cuộc sống, phải cho người xem thấy được trong đó có mình, có cuộc sống của mình. 

Là người đạt học vị Tiến sỹ nghệ thuật cải lương đầu tiên tại Việt Nam và cũng là người có nhiều nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc tại nhiều quốc gia, chị thấy họ gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống như thế nào? Việt Nam có thể học được gì?

Nghệ thuật dân tộc được sinh ra và phát triển từ chính đời sống văn hóa của dân tộc đó, nên không ai học ai trong việc gìn giữ và phát triển. Như tôi đã nói, cải lương vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả và sẽ không bao giờ bị mai một, khán giả sẽ gìn giữ và phát triển cải lương bởi cải lương là hơi thở, cải lương là món ăn tinh thần mà mọi người đang có. 

Người xưa dạy: “Món ăn ngon, chỗ ngồi trang nhã, không khí trong lành, người biết thưởng thức”. Cải lương là món ăn ngon, món ăn quý vậy thì dọn ở đâu, cách dọn, người dọn, cách tiếp cận khán giả... Chừng nào chúng ta có nhà hát xứng đáng, phù hợp dành cho nghệ thuật sân khấu dân tộc đẹp hơn, hiện đại thì không cần nói bảo tồn văn hóa, văn hóa vẫn cứ đường hoàng, bề thế đi vào cửa lớn của đời sống. Cải lương đã đồng hành với công cuộc giải phóng dân tộc thì hãy làm cho cải lương tiếp tục đồng hành với việc dựng xây và phát triển đất nước.  

Xin cảm ơn chị.

MỚI - NÓNG