Trầm cảm vì tìm việc

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Nộp cả chục hồ sơ xin việc nhưng không được nhận, nhiều sinh viên rơi vào trầm cảm. Người thì vật vờ ở Hà Nội, người về quê chờ…việc trong mỏi mòn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Dật dờ, tạm bợ

Tốt nghiệp ngành Công nghệ Vật liệu trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Đỗ Đức V, chuẩn bị một tập hồ sơ để “rải”. Tự tin có một chút tiếng Nhật và tiếng Anh, V bước đầu tự tin nộp vào hai công ty của Nhật.

Mục tiêu của V đặt ra cho mình sau khi tốt nghiệp là sẽ tìm một công việc đúng với chuyên ngành môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi ra trường, V... vỡ mộng.

Công ty đầu tiên của V tham gia phỏng vấn cần tuyển vị trí kĩ sư chuyên ngành Vật liệu. Sau bài phỏng vấn tiếng Anh khá suôn sẻ, nhà tuyển dụng vẫn từ chối khéo và ngắn gọn: “Em không phù hợp”.

Không chỉ thất bại một lần, V còn tham gia phỏng vấn vài công ty khác, nhưng tất cả đều không có hồi âm. Lớp V có hơn 20 người nhưng một phần thất nghiệp, một phần xin được việc nhưng không ưng ý.

Mệt mỏi với những lần đi phỏng vấn, không thể đợi thêm được nữa, V quay lại làm tạm mà thầy giáo trong khoa giới thiệu. Công việc hiện tại không được sử dụng nhiều kiến thức được học, lương hơn 3 triệu nhưng làm chống cháy.

Với Nguyễn Thị M, tốt nghiệp ngành Ngữ Văn của trường Đại học Sư phạm HN. Vật vờ vài tháng ở Hà Nội nhằm xin vào dạy học  nhưng không thành. Dù đã năm tháng, M vẫn ngồi hơi và đang M tính chuyện về quê xin việc.

Cùng chung cảnh ngộ, Đỗ Thị D, tốt nghiệp loại giỏi ngành Quản trị kinh doanh- ĐH Công nghiệp HN, sau khi ra trường cả mấy tháng D chưa xin được việc làm. Vì thế, trong khi các bạn đi làm gần hết, D sốt ruột đành làm tạm công việc tạp vụ ở một công ty với mức lương vẻn vẹn hơn 2 triệu đồng.

Trầm cảm

Sau khi ra trường được một vài tháng, Nguyễn Thị Th, tốt nghiệp ngành Tâm lý của một trường ĐH lớn, Th chuẩn bị hồ sơ xin việc vào một cơ quan nhà nước. Tưởng đã được chấp nhận, ai ngờ đến “phút cuối”, công việc đòi hỏi phải có bằng thạc sĩ.

“Ra trường mà không có việc để làm, trong khi vẫn phải chi tiêu tiền thuê nhà, tiền ăn uống nên áp lực tâm lý rất nặng nề. Giờ em chỉ trông chờ vào lương của chồng được 8 triệu một tháng trong khi cái gì cần đến tiền. May còn chưa có con cái đấy chứ không thì mà cả nhà đói”- Th buồn rầu nói.

Th chia sẻ, mấy tháng trước không phải đi học, chỉ ở nhà làm luận văn mãi cũng chán, xin việc làm part-time cũng khó nên và rơi vào trầm cảm lúc nào không hay: “Nhiều lúc thực sự em chán không muốn nói, muốn ăn gì và chả biết mình phải làm gì. Mấy tháng trời là cứ buổi sáng dậy sợ phải ở nhà một mình. Lúc nào cũng muốn cáu, đầu cứ nặng trịch, đau như búa bổ. Em phải đi đến gặp bác sĩ tâm lý rồi”- Th cho biết.

Sau vài tháng chờ việc ở Hà Nội, Đỗ Đức V quyết định làm công việc tạm ở một công ty của Nhật với mức lương không đủ sống. Vcho biết, mức lương hơn 3 triệu đồng, tằn tiện lắm chỉ đủ tiền điện thoại, xăng xe. Tiền ăn, tiền thuê nhà là phải xin bố mẹ trợ cấp. Trong khi đó, nhiều lúc chi tiêu không đủ phải vay thêm bạn bè.

“Ở nhà mấy tháng không làm gì chán lắm, nhiều lúc đầu muốn nổ tung, em chỉ sợ phát điên nên phải chọn cách đi làm để đầu bớt nặng dù công việc không đúng chuyên ngành và mức lương không đủ sống”- V chia sẻ.

Còn Nguyễn Thị M, tốt nghiệp ngành Ngữ Văn của trường Đại học Sư phạm HN, 6 tháng nay, công việc hiện tại là "công nhân" cho bố mẹ. Nhà có quán nho nhỏ, M phụ giúp bố mẹ đi đưa hàng và lấy hàng, bù lại bố mẹ nuôi ăn.

M ngậm ngùi cho biết, đỗ vào Sư phạm, tưởng ra trường về quê làm việc thì không quá khó, nhưng giờ tìm được chỗ để đi làm không hề đơn giản. Ở nhà làm mãi thế này cũng chán, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ mới có việc để làm nữa”.

"Nhiều anh chị quê em ra trường đi dạy cả hơn 10 năm vẫn chị là dạy hợp đồng, hàng tháng lĩnh hơn một triệu. Không biết với mức lương ấy em có trụ lại với nghề được không? Học sư phạm ra đi bán hàng thế này chắc em cũng thành bệnh mất”- M nói.

Giảm người, giảm cả lương

Theo bà Phó Thị Thiện, chuyên tuyển nhân sự của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu vật tư ngành in ở Hà Nội cho biết, cả một năm nay công ty không tuyển thêm người mà số lượng nhân viên còn bị cắt giảm đi.

Bà Thiện cũng cho biết thêm, cả công ty khoảng hơn 30 người, mọi năm đều tuyển thêm người cho cả bộ phận văn phòng và xưởng nhưng năm nay do tình hình kinh tế khó khăn nên không tuyển đợt nào: “Dù công ty không đuổi người nhưng lương bị giảm, một số người khi bị “ép trong khuôn khổ” thì tự cảm thấy không đáp ứng được và phải tự bỏ việc”.

Bà Nguyễn Huế, trưởng phòng hành chính công ty chuyên gia công cơ khí văn phòng giao dịch nằm ở Hoàng Hoa Thám cho biết, dù việc cuối năm rất bận nhưng cũng không dám tuyển thêm người, sợ không có tiền trả lương cho anh em.

“Để nhân sự như hiện tại đã là cố gắng của ban lãnh đạo của công ty rồi. Đành mỗi người làm việc bằng hai để có lương trả đủ cho anh em trong tình hình suy thoái này đã tốt lắm rồi”- bà Huế cho biết.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2012 là 2,17% (khoảng 1.02 triệu người) trong đó khu vực thành thị là 3,53%, khu vực nông thôn là 1,55%. Lao động được tính là thất nghiệp nếu trong khoảng thời gian điều tra (thường trong vòng 7 ngày) người trong độ tuổi không làm việc gì, không có thu nhập, đang đi tìm việc và sẵn sàng đi làm ngay nếu có việc.

Trong khi đó, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi bao gồm các đối tượng trong tình trạng phải làm những công việc không phù hợp hoặc không làm việc đủ thời gian cần thiết để có thu nhập đủ sống trong 9 tháng năm 2012 là 2,98%, trong đó khu vực thành thị là 1,83%, khu vực nông thôn là 3,49%.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay khoảng hơn 1 triệu người Việt Nam đang thất nghiệp. Hơn một nửa trong số này là những người trong độ tuổi 15-24 và xu hướng lao động trẻ thất nghiệp đang tiếp tục gia tăng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.