Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp BĐS vay nợ trong dân thông qua phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng với mức lãi vay từ 8% đến 12,9%/năm.
Đáng chú ý, trong nhóm 20 doanh nghiệp BĐS có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua có nhiều doanh nghiệp phát hành huy động số lượng vốn cao gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH kinh doanh BĐS Mediterranena Revival Villas, vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu bằng 4.705% vốn chủ sở hữu.
Nhiều doanh nghiệp Bất động sản phát hành trái phiếu sử dụng vào mục đích không rõ ràng. Ảnh: Trọng Tài |
Hay Công ty CP Osaka Garden phát hành trái phiếu huy động lượng vốn bằng 2.852% vốn chủ sở hữu. Năm vừa qua, công ty này phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 270 tỷ đồng.
Ngoài 2 doanh nghiệp kể trên, hàng loạt doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu vay lượng vốn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (gấp 4 lần); Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence (cùng gấp 6 lần)...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiện có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp BĐS thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu. Kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp BĐS tồn tại? Ngoài ra, trái phiếu “rác” trong lĩnh vực BĐS làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không phải thị trường thật sự. Việt Nam phải xây dựng hệ thống giống thông lệ quốc tế, phải lành mạnh, minh bạch.
Theo Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu BĐS trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường BĐS.
Vị này cũng cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực BĐS nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường BĐS phát triển ổn định, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.